Giết Con Chim Nhại (To Kill A Mockingbird)

Chương 24



Calpurnia đeo chiếc tạp dề hồ bột cứng nhất của bà. Bà mang một khay bánh nướng. Bà đi lui trở lại cánh cửa đu và ẩn nhẹ. Tôi ngưỡng mộ vẻ khoan thai và duyên dáng của bà khi bà xử lý hàng đống công việc vặt vãnh. Tôi đoán bác Alexandra cũng vậy, bởi vì bữa nay bác cho phép Calpurnia phục vụ.

Tháng Tám sắp bước sang tháng Chín. Ngày mai Dill sẽ lên đường về Meridian; hôm nay nó với Jem đến vũng xoáy Barkers Eddy. Jem đã phát hiện với vẻ ngạc nhiên giận dữ rằng không ai quan tâm đến việc dạy Dill bơi lội, một kỹ năng mà Jem thấy cần thiết như đi bộ vậy. Họ đã dành hai buổi chiều ở khúc sông đó, họ nói họ sẽ bơi trần truồng và tôi không được đi theo, vì vậy tôi chia những giờ cô đơn của mình giữa Calpurnia và cô Maudie.

Bữa nay bác Alexandra và nhóm truyền giáo của bác đang trợ giúp truyền giáo trong khắp ngôi nhà. Từ nhà bếp, tôi nghe bà Crace Merriweather tường trình trong phòng khách về cuộc sống khốn khổ của người Mruna. Họ đem phụ nữ bỏ trong những túp lều khi họ đến kỳ kinh nguyệt, bất kể chuyện gì; họ không có ý thức về gia đình – tôi biết điều đó sẽ khiến bác Alexandra phiền não – họ bắt trẻ con chịu đựng những thử thách kinh khủng khi chúng mới mười ba; người chúng đầy ghẻ cóc và sâu róm, chúng nhai và phun vỏ cây vào một ống nhổ chung rồi sau đó uống ngay thứ nước ấy.

Ngay sau đó, các bà nghỉ ăn nhẹ.

Tôi không biết mình nên đi vào phòng ăn hay ở bên ngoài. Bác Alexandra bảo tôi cùng ăn với họ, bác bảo tôi không cần dự phần họp mặt, bác nói nó sẽ làm tôi chán. Tôi mặc chiếc váy Chủ nhật màu hồng, mang giày, và mặc váy lót, và nghĩ rằng nếu tôi làm đổ bất cứ thứ gì thì Calpurnia sẽ phải giặt áo tôi một lần nữa cho ngày mai. Đây là một ngày bận rộn đối với bà. Tôi quyết định ở ngoài.

“Con giúp gì được cho bà không, Cal?” Tôi hỏi, mong được giúp cái gì đó.

Calpurnia dừng lại ngay ngưỡng cửa. “Cô cứ ở yên như con chuột trong góc đó,” bà nói, “và cô có thể giúp tôi chất đầy mấy cái khay này khi tôi quay lại.”

Tiếng rì rầm của quý bà nghe lớn hơn khi bà mở cửa: “ôi, Alexandra, tôi chưa từng thấy bánh như thế này … quá hấp dẫn…. tôi chưa từng làm được vỏ bánh giống như vầy, không thể …..ai đã nghĩ tới loại bánh nướng nhân quả mâm xôi…Calpurnia hả?….ai đã nghĩ ra nó…bất cứ ai nói với chị rằng vợ của một nhà thuyết giáo… khôôông, bà ta là vậy, và rằng đứa kia còn chưa đi.”

Họ trở nên im lặng, và tôi biết tất cả đã được phục vụ. Calpurnia quay trở lại và đặt cái bình đựng nước bằng bạc của mẹ tôi lên một cái khay. “Chiếc bình cà phê này là vật hiếm,” bà lầm bầm, “bây giờ người ta không chế tạo thứ này nữa.”

“Con mang nó vào được không?”

“Nếu cô cẩn thận đừng đánh rớt. Để nó ngay đầu bàn cạnh bác Alexandra. Để xuống đó cạnh mấy cái tách và các thứ khác. Bà ấy sẽ rót.”

Tôi thử ấn mông tôi vào cửa như Calpurnia đã làm, nhưng cánh cửa không nhúc nhích. Cười tươi, bà giữ nó mở ra cho tôi. “Cẩn thận, nặng đấy. Đừng có nhìn nó, như vậy cô sẽ không làm nó đổ ra.”

Chuyến đi của tôi thành công: bác Alexandra cười rạng rỡ. “Ở đây với bọn ta nào, Jean Louise,” bác nói. Vụ này nằm trong chiến dịch dạy tôi trở thành quý cô của bác ấy.

Đã thành thông lệ mỗi chủ nhà trong nhóm sẽ mời láng giềng của họ dự bữa tiệc nhẹ, dù họ theo phái Tẩy Lễ hay Trưởng lão, điều đó giải thích sự có mặt của cô Rachel (tỉnh như sáo), cô Maudie và cô Stephanie Crawford. Hơi lo lắng, tôi ngồi cạnh cô Maudie và tự hỏi tại sao quý cô chỉ đi băng qua đường mà cũng phải đội mũ. Các quý cô tụ thành nhóm luôn luôn làm tôi lo sợ mơ hồ và khao khát được ở chỗ khác, nhưng cảm giác này là những gì bác Alexandra gọi là “nuông quá thành hư”.

Các quý bà này đều thoải mái trong những bộ đồ vải hoa mỏng: hầu hết họ đều đánh phấn đậm nhưng không thoa phấn hồng; cây son duy nhất trong phòng là Tangee Natural. Sơn Cutex Natural lấp lánh trên những móng tay của họ, nhưng một số bà trẻ hơn thì xài hiệu Roso. Họ thơm nồng nặc. Tôi ngồi im, chế ngự hai bàn tay bằng cách nắm chặt tay ghế, và chờ ai đó nói chuyện với tôi.

Hàm răng vàng của cô Maudie lấp lánh. “Cháu ăn mặc rất đẹp, Jean Louise,” cô ấy nói. “Bữa nay quần cháu đâu?”

“Dưới váy của cháu.”

Tôi không cố ý đùa vui, nhưng các bà cười ầm. Hai má tôi nóng bừng và tôi nhận ra sai lầm của mình, nhưng cô Maudie nhìn tôi một cách nghiêm trang. Cô không bao giờ cười cợt tôi trừ khi tôi muốn gây cười.

Trong khoảng khắc im lặng bất ngờ kế tiếp, cô Stephanie Crawford từ đầu phòng bên kia hỏi với sang. “Cháu sẽ làm gì khi lớn lên, Jean Louise? Luật sư hả?”

“Không, thưa cô. Cháu không nghĩ đến chuyện đó….” Tôi đáp, lòng thầm cảm ơn cô Stephanie Crawford quá tử tế khi thay đổi đề tài. Tôi vội chọn hướng đi cho mình. Y tá? Phi công? “Ờ….”

“Nói đi, ta nghĩ cháu muốn trở thành luật sư, cháu đã bắt đầu đến tòa án rồi đó.”

Các bà lại cười ầm lên. “Stephanie này thiệt kỳ cục,” ai đó nói. Cô Stephanie được khuyến khích theo đuổi đề tài, “Cháu không muốn lớn lên thành luật sư sao?”

Tuy cô Maudie chạm vào tay tôi và tôi trả lời đủ hòa nhã, “Không thưa cô, chỉ là một quý cô.”

Cô Stephanie nhìn tôi đầy ngờ vực, kết luận rằng tôi không có ý xấc láo, và tạm chấp nhận, “Phải cháu sẽ không tiến được xa cho đến khi cháu bắt đầu mặc váy thường xuyên hơn.”

Bàn tay cô Maudie siết chặt tay tôi hơn và tôi chẳng nói gì. Sự nồng ấm của nó đã đủ.

Bà Grace Merriweather ngồi bên trái tôi, và tôi cảm thấy lịch sự khi nói chuyện với bà. Ông Merriweather, một tín đồ Giám lý trung thành do ép buộc, hình như chẳng thấy dính dáng đến riêng ông khi hát, “Ân sủng tuyệt vời, âm thanh ngọt ngào làm sao, điều đó cứu rỗi một kẻ khốn khổ như tôi…..” Tuy nhiên dư luận phổ biến ở Maycomb cho rằng bà Merriweather đã giúp ông bỏ rượu chè và biến ông thành một công dân hữu ích một cách thỏa đáng. Chắc chắn bà Merriweather là một quý bà ngoan đạo nhất Maycomb. Tôi tìm một đề tài để làm bà hứng thú. “Chiều nay nghiên cứu của các bà là gì?”

“Ô bé con, những người Mruna tội nghiệp đó,” bà đáp và im lặng. Vài câu hỏi nữa sẽ là cần thiết.

Đôi mắt to nâu của bà Merriweather luôn luôn ngấn lệ khi bà nhắc đến những người bị áp bức. “Sống trong khu rừng đó không có ai trừ J. Grimes Everett,” bà nói. “Không một người da trắng nào đến gần họ trừ J. Grimes Everett thánh thiện.”

Bà Merriweather làm cho giọng của mình giống một cây phong cầm; mỗi lời bà nói đều nhận được âm lượng đầy đủ của nó, “Sự đói nghèo…….sự tối tăm…. …. sự đồi bại – không ai trừ J. Grimer Everett biết. Cháu biết không, khi nhà thờ cho ta một chuyến đi đến khu trại đó J. Grimes Everett đã nói với ta…..”

“Ông ấy ở đó hả, bà? Cháu nghĩ…..”

“Về nhà nghĩ phép J. Grimer Everett đã nói với ta, ông ấy nói, Bà Merriweather, bà không có ý niệm, không có ý niệm về những gì chúng ta đang chiến đấu ở đó. Ông ấy nói với ta như thế.”

“Vâng, thưa bà.”

“Ta nói với ông ấy, Ông Everett, ta nói, các quý bà ở nhà thờ miền Nam thuộc hội Giám lý Maycomb ở Alabama ủng hộ ông một trăm phần trăm. Ta nói với ông ấy như vậy. Và cháu biết không, ngay lúc ấy trong thâm tâm ta tự hứa. Ta tự nhủ, khi nào về nhà ta sẽ nói chuyện về người Mruna và mang thông điệp của J. Grimer Everett đến Maycomb và đó là việc ta đã làm.”

“Vâng, thưa bà.”

Khi bà Merriweather lắc đầu, những búp tóc đen của bà đong đưa. “Jean Louise,” bà nói, “cháu là một cô bé may mắn. Cháu sống trong ngôi nhà Thiên chúa giáo và với những người Thiên chúa giáo trong một thị trấn Thiên chúa giáo. Ngoài đó ở một vùng đất của J. Grimes Everett chẳng có gì ngoài tội lỗi và tình trạng bẩn thỉu.”

“Vâng, thưa bà.”

“Tội lỗi và tình trạng bẩn thỉu – đó là cái gì vậy, Gertrude?” Bà Merriweather bật bộ chuông nhạc của bà lên cho người phụ nữ ngồi bên cạnh. “Ồ, phải, ta luôn luôn nói tha thứ và quên, tha thứ và quên. Việc nhà thờ phải làm là giúp cô ta sống một đời sống Thiên chúa giáo cho bọn trẻ từ bây giờ đi. Một số người phải tới đó và bảo nhà truyền giáo đó khích lệ cô ta.”

“Xin lỗi, bà Merriweather,” tôi ngắt lời, “bà đang nói về Mayella Ewell hả?”

“May…? Không cô bé. Đó là vợ của tên da đen. Vợ của Tom, Tom….”

“Robinson, thưa bà.”

Bà Merriweather quay sang người ngồi kế bà. “Có một điều tôi thực sự tin, Gartrude,” bà nói tiếp, “nhưng một số người không chịu nhìn nhận theo cách của tôi. Nếu chúng ta để họ biết chúng ta tha thứ cho họ, rằng chúng ta đã quên nó, thì toàn bộ việc này sẽ bị gió cuốn đi.”

“À,….. bà Merriweather,” tôi cắt ngang lời bà, “gió sẽ cuốn đi cái gì?”

Bà lại quay sang tôi. Bà Merriweather là một trong những người lớn không có con, bà thấy cần thiết phải có một giọng khác khi nói chuyện với trẻ con. “Không có gì đâu, Jean Louise,” bà nói thật chậm rãi, “các đầu bếp và các nhân công làm đồng không được hài lòng, nhưng giờ họ đã bình tĩnh lại, họ đã cáu kỉnh suốt cả ngày sau phiên tòa đó.”

Bà Merriweather đối mặt với bà Farrow, “Gertrude, tôi nói cho chị biết không có gì làm mình phân tâm bằng một tên da đen hờn dỗi. Miệng họ chảy xuống tới đây. Có mặt một người như vậy trong nhà bếp chỉ làm chị phát nản cả ngày. Chị biết tôi nói gì với Sophy nhà tôi không, Gertrude? Tôi nói Sophy, tôi nói, hôm nay cô không phải là người Thiên chúa giáo. Chúa Jesus không bao giờ đi loanh quanh cằn nhằn và phàn nàn, và chị biết không, nó tốt cho cô ấy, cô ấy rời mắt khỏi sàn nhà và nói, Không, bà Merriweather, Chúa Jesus không bao giờ đi loanh quanh cằn nhằn và phàn nàn. Nói cho chị biết, Gertrude, chị không nên để lỡ cơ hội làm chứng nhân cho Chúa.”

Điều này làm tôi nhớ đến cây phong cầm nhỏ cổ xưa trong nhà nguyện tại Finchs Landing. Khi tôi còn nhỏ xíu, và nếu ngày đó tôi rất ngoan, bố Atticus cho phép tôi bơm những ống gió của nó trong khi ông đang chơi một giai điệu bằng một ngón tay. Nốt cuối cùng sẽ ngân vang miễn là còn hơi để duy trì nó. Tôi đoán, bà Merriweather đã hết hơi và chuẩn bị nạp thêm nhiên liệu trong khi bà Farrow cố gắng nói.

Bà Farrow là một phụ nữ có vóc dáng tuyệt mỹ với đôi mắt xanh nhạt và bàn chân nhỏ. Bà có mái tóc xám quăn dài tự nhiên. Bà là người phụ nữ mộ đạo thứ hai ở Maycomb. Bà có thói quen kỳ lạ là thích bắt đầu mọi chuyện với một âm gió nhẹ.

“S-s-s ơn Chúa,” bà ta nói, “giống như ngày nọ tôi nói với đạo hữu Hutson. S-s-s Đạo hữu Hutson, tôi nói, có vẻ như chúng ta đang đánh một trận chiến thua chắc. Tôi nói, S-s-s không thành vấn đề gì với họ cả, chúng ta có thể giáo dục họ cho đến hết sức chúng ta, chúng ta có thể cố cho đến khi chúng ta gục ngã để làm cho họ thành những người Thiên chúa giáo, nhưng không một quý bà nào an toàn trên giường ngủ của mình vào những đêm này. Ông ta nói với tôi, Bà Farrow, tôi không biết điều gì đã đưa chúng ta xuống đây. S-s-s tôi nói đó chắc chắn là một sự kiện.”

Bà Merriweather gật đầu vẻ hiểu biết. Giọng bà át cả tiếng lanh canh của những tách cà phê và âm thanh êm ái như bò của các bà bà đang nhai bánh tóp tép. “Gertrude,” bà nói, “tôi cho chị biết trong thị trấn này có một số người tốt nhưng bị lầm lạc. Tốt nhưng bị lầm lạc. Ý tôi là dân trong thị trấn này nghĩ họ làm đúng. Tôi thì không muốn nói đó là ai, nhưng một số người trong thị trấn này nghĩ họ đang làm việc đúng ít lâu trước đây, nhưng tất cả những gì họ đã làm là kích động họ. Họ chỉ làm được có thế. Lúc đó trông nó có vẻ như điều đúng cần phải làm, tôi chắc mình không biết, tôi không rành trong lĩnh vực đó, nhưng hay hờn dỗi…. phật lòng….. Tôi nói với chị nếu Sophy cứ như vậy hoài tôi sẽ để cô ta đi. Cô ta không hề hiểu rằng lý do duy nhất tôi giữ cô ta lại là vì tình trạng suy thoái diễn ra và cô ta cần mớ một đô hăm lăm xu mà cô ta nhận được mỗi tuần.”

“Thức ăn của anh ta không bị kẹt khi nuốt xuống, đúng không?”

Cô Maudie nói câu đó. Có hai đường hằn sâu xuất hiện ngay khóe miệng cô. Cô đã ngồi im lặng nãy giờ cạnh tôi, tách cà phê nằm cân bằng trên đầu gối. Tôi đã không hiểu kịp mạch câu chuyện từ lâu rồi, khi họ thôi nói về vợ của Tom Robinson, và bằng lòng với việc nghĩ về Finchs Landing và con sông. Bác Alexandra đã làm nó hỏng bét: phần công việc của cuộc họp thật tệ hại, giờ giao lưu chán ngắt.

“Maudie, tôi không hiểu ý cô muốn nói gì,” bà Merriweather nói.

Cô chẳng nói gì thêm. Khi cô Maudie giận dữ, cái kiểu ngắn gọn của cô lạnh tanh. Điều gì đó khiến cô rất giận dữ, và đôi mắt xám của cô cũng lạnh như giọng của cô. Bà Merriweather đỏ mặt, nhìn tôi, rồi quay chỗ khác. Tôi không nhìn thấy bà Farrow.

Bác Alexandra đứng dậy khỏi bàn và mau lẹ chuyền thêm những món ăn khác, tìm cách để bà Merriweather và bà Gates tham gia một cuộc chuyện trò sôi nổi. Khi hai bà rôm rả chuyện trò với bà Perkins, bác Alexandra bước lui lại. Bác nhìn cô Maudie với vẻ biết ơn và tôi ngạc nhiên với thế giới đàn bà. Cô Maudie và bác Alexandra không hề thân nhau, và ở đây bác tôi lại lặng lẽ cám ơn cô Maudie vì một điều gì đó. Điều tôi không biết. Tôi hài lòng khi biết rằng bác Alexandra có thể bị hạ gục để để cảm thấy biết ơn khi được người khác giúp đỡ. Không còn nghi ngờ về điều ấy, tôi phải nhanh chóng bước vào thế giới này, nơi mà ở ngoài mặt là các bà thơm tho ngồi đu đưa từ tốn, phe phẩy quạt và uống nước mát.

Nhưng tôi quen thuộc và thoải mái hơn trong thế giới của bố tôi. Những người giống ông Heck Tate không bẫy bạn với những câu hỏi vô hại để giễu cợt bạn; ngay cả Jem cũng không chê bai gì nhiều nếu như bạn không nói gì ngốc nghếch. Các bà có vẻ sống trong nỗi khiếp sợ mơ hồ đối với đàn ông, có vẻ không sẵn lòng tán thành họ một cách hết lòng. Nhưng tôi thích họ. Có điều gì đó ở họ, cho dù họ hay chửi tục, say xỉn, bài bạc và nhai thuốc lá, cho dù họ chẳng thú vị chút nào, có điều gì đó ở họ mà tôi thích theo bản năng…. họ không……

“Đạo đức giả, bà Perkins, đạo đức giả bẩm sinh,” bà Merriweather nói. “Ít nhất chúng ta ở miệt dưới này không mang trên vai tội đó. Dân miệt trên đó đã giải phóng họ, nhưng chị không thấy những người đó ngồi chung bàn với họ. Ít nhất chúng ta không có thói lừa đảo để nói với họ rằng phải quý vị cũng tốt như chúng tôi nhưng hãy tránh xa chúng tôi. Ở miệt này chúng ta chỉ nói quý vị cứ sống theo cách của quý vị và chúng tôi sống theo cách của chúng tôi. Tôi nghĩ người phụ nữ đó, bà Roosevelt đó không tỉnh táo – chỉ đơn giản là mất trí khi xuống tới tận Birmingham và cố ngồi với họ. Nếu tôi là thị trưởng Birmingham tôi sẽ 1…..”

Tốt, không ai trong chúng tôi là thị trưởng Birmingham cả. Nhưng tôi thích một ngày nào đó tôi là thống đốc Alabama: tôi sẽ trả tự do cho Tom Robinson nhanh đến độ Hội truyền giáo không có thời gian để điều hòa hơi thở. Hôm nọ Calpurnia kể với đầu bếp của cô Rachel tình hình của Tom xấu như thế nào và bà không ngừng nói khi tôi bước vào nhà bếp. Bà nói rằng bố Atticus không thể làm gì để cảnh ngục tù được thoải mái hơn cho anh ta, rằng điều cuối cùng anh ta nói với bố Atticus trước khi họ đưa anh ta xuống trại giam là, “Tạm biệt, ông Finch, giờ thì ông chẳng thể làm được gì, vì vậy có cố cũng vô ích.” Calpurnia kể bố Atticus nói với bà rằng ngày họ đưa Tom vào tù anh đã thôi hy vọng. Bà nói bố Atticus đã cố giải thích mọi việc với anh ta, và rằng anh ta phải cố hết sức mình để không tuyệt vọng bởi vì bố Atticus đang làm hết sức ông để anh ta được tự do. Đầu bếp của cô Rachel hỏi Calpurnia tại sao bố Atticus không nói ừ, anh sẽ được tự do, và để nguyên mọi chuyện như thế – điều đó có vẻ là nguồn an ủi lớn lao cho Tom. Calpurnia nói, “Bởi vì chị không rành luật. Điều đầu tiên chị học được khi ở trong một gia đình luật là không có một câu trả lời chắc chắn nào cho bất cứ điều gì. Ông Finch không thể nói một điều gì như thế khi ông không biết chắc nó như thế.”

Cửa trước đóng mạnh và tôi nghe những bước chân của bố Atticus ngoài hành lang. Bất giác tôi tự hỏi không biết bây giờ là mấy giờ. Chưa đến giờ ông về nhà mà, và vào những ngày họp của Hội truyền giáo ông thường ở lại thị trấn cho đến tối mịt.

Ông dừng lại ngay ngưỡng cửa. Mũ ông trên tay và mặt ông trắng bệch.

“Xin lỗi, quý bà,” ông nói, “cứ tự nhiên với cuộc họp của quý vị, đừng để ý đến tôi. Alexandra, chị có thể xuống bếp một chút không? Em muốn mượn Calpurnia một lát.”

Ông không qua phòng ăn, mà đi theo hành lang phía sau vào nhà bếp. Bác Alexandra và tôi gặp ông. Cửa phòng ăn lại mở và cô Maudie bước vào. Calpurnia nhổm khỏi ghế.

“Cal,” bố Atticus nói, “Tôi muốn bà đi với tôi đến nhà Helen Robinson…..”

“Có chuyện gì vậy?” Bác Alexandra hỏi, lo lắng trước nét mặt của bố tôi.

“Tom chết rồi.”

Bác Alexandra đưa hai tay lên miệng.

“Họ bắn anh ta,” bố Atticus nói. “Anh ta bỏ chạy. Ngay vào giờ tập thể dục. Họ nói anh ta phát cuồng chạy lao vào hàng rào và bắt đầu leo qua. Ngay trước mặt họ….”

“Sao họ không cố ngăn anh ta? Họ không có hành động cảnh cáo nào sao?” Giọng bác Alexandra run rẩy.

“Ồ có, lính canh hô anh ta dừng lại. Họ bắn chỉ thiên vài phát, sau đó giết. Họ bắn trúng ngay khi anh ta đã trèo qua hàng rào. Họ nói nếu có hai cánh tay lành lặn, anh ta hẳn đã thành công, anh ta di chuyển thật nhanh. Mười bảy lỗ đạn trên người anh ta. Họ không cần phải bắn nhiều như thế. Cal, tôi muốn bà đi với tôi để giúp tôi báo tin cho Helen.”

“Vâng, thưa ông,” bà lầm bầm, lóng ngóng sờ soạn tạp dề của mình. Cô Maudie đến bên Calpurnia và cởi nó ra.

“Đây là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, Atticus,” bác Alexandra nói.

“Tùy thuộc vào cách chị nhìn nó,” ông nói. “Một người da đen, trong số hai trăm người khác, đại khái như thế, thì có nghĩa lý gì? Với họ anh ta không phải là Tom, anh ta chỉ là một tù nhân vượt ngục.”

Bố Atticus dựa vào tủ lạnh, đẩy kính lên, lau mắt. “Chúng ta đã có một cơ hội tốt như thế,” ông nói. “Em đã nói với anh ta những điều em nghĩ, nhưng thực tình em không thể nói chúng ta có nhiều có may. Em đoán Tom đã phát mệt với những cơ hội của người da trắng và thích chớp lấy cơ hội của anh ta hơn. Phải không, Cal?”

“Đúng vậy, thưa ông Finch.”

“Vậy chúng ta đi.”

Bác Alexandra ngồi trên ghế của Calpurnia và úp mặt vào hai tay. Bác ngồi hoàn toàn im lặng; bác im lặng đến độ tôi tự hỏi liệu bác có bị ngất đi không. Tôi nghe cô Maudie thở như thể cô vừa trèo lên mấy bậc thang, và trong phòng ăn các bà vẫn vui vẻ chuyện gẫu.

Tôi nghĩ bác Alexandra đang khóc, nhưng khi bác buông hai tay khỏi mặt, bác không hề khóc. Trông bác yếu ớt. Bác nói, và giọng của bác trùng xuống.

“Tôi không thể nói tôi tán thành mọi chuyện cậu ấy làm, Maudie, nhưng cậu ấy là em trai tôi, và tôi chỉ muốn biết chừng nào chuyện này kết thúc.” Bác cao giọng, “Nó làm cậu ấy tan nát. Cậu ấy không để lộ nhiều, nhưng nó làm cậu ấy tan nát. Tôi đã thấy cậu ấy khi – họ còn muốn gì ở cậu ấy nữa, Maudie, muốn gì nữa?”

“Ai muốn gì, Alexandra?” Cô Maudie hỏi.

“Ý tôi nói thị trấn này nè. Họ sẵn sàng để cậu ấy làm những gì họ sợ không dám làm – nó có thể làm họ mất mấy đồng xu. Họ sẵn lòng bỏ mặc cậu ấy hủy hoại sức khỏe để làm những điều họ sợ không dám làm, họ….”

“Nói nhỏ thôi, họ sẽ nghe thấy chị nói đấy,” cô Maudie nói. “Chị từng nghĩ về nó theo cách này chưa, Alexandra? Dù Maycomb biết hay không, chúng ta vẫn bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc mà chúng ta có thể đối với một con người. Chúng ta tin ông ấy đã làm đúng. Đơn giản vậy thôi.”

“Ai?”Bác Alexandra không hề biết rằng mình đang bắt chước đứa cháu mười hai tuổi của bác.

“Một nhóm người trong thị trấn này biết nói rằng cuộc chơi công bằng không hề đóng dấu chỉ dành cho người da trắng; một nhóm người nói rằng một vụ xét xử công bằng là dành cho mọi người, chứ không chỉ riêng cho chúng ta; một nhóm người có đủ khiêm tốn để suy nghĩ, khi họ nhìn một người da đen, tôi có mặt ở đó chỉ vì lòng nhân từ của Chúa.” Sự hoạt bát vốn có của cô Maudie đang trở lại. “Một số người trong thị trấn này có học thức, họ là loại như thế.”

Nếu tôi chú ý, hẳn tôi đã có thêm một chi tiết khác để thêm vào định nghĩa của Jem về học thức, nhưng tôi nhận thấy mình đang run rẩy và không dừng lại được, tôi đã thấy trại tù Enfield Prison Farm, và bố Atticus đã chỉ cho tôi thấy sân tập thể dục. Nó to cỡ sân bóng Bầu dục.

“Đừng run vậy nữa,” cô Maudie ra lệnh và tôi dừng. “Đứng lên đi, Alexandra, mình bỏ lại họ hơi lâu rồi đó.”

Bác Alexandra đứng lên và vuốt cho phẳng những nếp váy xếp dọc hai bên hông. Bác móc khắn tay ở thắt lưng ra lau mũi. Bác vuốt nhẹ lên tóc và nói, “Tôi có để lộ ra không?”

“Không một dấu hiệu gì,” cô Maudie nói. “Cháu ra cùng bọn ta không, Jean Louise?”

“Có, thưa cô.”

“Vậy ta ra với các bà thôi,” cô nói một cách chán chường.

Tiếng nói của họ nghe rõ hơn khi cô Maudie mở cửa dẫn sang phòng ăn. Bác Alexandra đi trước tôi và tôi thấy đầu bác ngẩng cao khi bước qua cửa.

“Ô, bà Perkins,” bác nói, “bà cần thêm cà phê nữa rồi. Để tôi lấy cho.”

“Calpurnia bận đi công việc một lát,” cô Maudie nói. “Để tôi đưa thêm cho chị bánh nướng nhân quả mâm xôi. Chị có nghe những gì đứa em họ của tôi làm hồi đó không, đứa thích đi câu cá đó?….”

Và thế là họ đi, dọc theo hàng phụ nữ đang cười đùa, vòng qua phòng ăn, châm thêm cho đầy những tách cà phê, bày kẹo ra đĩa như thể điều đáng tiếc duy nhất của họ là tai họa nhất thời của việc vắng mặt Calpurnia.

Tiếng rì rầm nhẹ nhàng lại vang lên. “Phải, bà Perkins, J. Gilmer Everett đó quả là một vị thánh tử vì đạo, ông ta…cần được cưới vợ vì vậy họ chạy…. đến mỹ viện mỗi chiều thứ Bảy… ngay khi mặt trời lặn. Ông ấy đi ngủ vào cái giờ gà lên chuồng, một chuồng gà bệnh, Fred nói đó là điều khơi mào mọi chuyện, Fred nói….”

Bác Alexandra nhìn qua tôi ở đầu kia phòng và mỉm cười. Bác nhìn xuống khay đựng bánh kẹo trên bàn và gật đầu ra hiệu. Tôi thận trọng bưng khay lên và bước tới chỗ bà Merriweather. Với thái độ thân thiện tuyệt vời nhất của mình, tôi hỏi bà có muốn dùng một ít không.

Xét cho cùng, nếu bác tôi có thể là một quý bà vào lúc này, thì tôi cũng làm được.

— —— —— —— ——-

1 “Miệt trên” (Up there): ám chỉ miền Bắc, các tiểu bang ủng hộ giải phóng nô lệ, còn “miệt dưới” (Down there) ám chỉ các bang miền Nam, vốn chủ trương duy trì chế độ nô lệ. Bà Roosevelt tức Eleanor Roosevelt, vợ tổng thống Franklin Roosevelt. Năm 1939, bà tới Birmingham, một thành phố miền trung Alabama, để dự Hội nghị phía Nam về An sinh nhân dân. Bà đã thách thức chính quyền tiểu bang bằng cách ngồi ở lối đi, giữa hai hàng ghế phân biệt dành cho người da đen và người da trắng, sau khi cảnh sát bảo rằng bà đã vi phạm luật phân cách chủng tộc khi ngồi chung với người da đen.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.