Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 1 - Chương 24



Đến giờ đã quy định, công tước, tóc rắc phấn và râu cạo nhẵn, bước vào buồng ăn; ở đó đã có nàng dâu, cô con gái, cô Burien và người kiến trúc sư chờ sẵn. Người này hoàn cảnh xã hội thấp kém lẽ ra không thể mong được cái hân hạnh ấy, nhưng do một ý muốn kỳ quặc của công tước, đã được phép ăn cùng một bàn với gia đình.

Trong sinh hoạt công tước thường để ý nghiêm khắc đến sự phân biệt đẳng cấp và không mấy khi để ngồi cùng ăn với mình dù là những quan lại cao cấp trong tỉnh, nhưng đối với kiến trúc sư Mikhail Ivanovich – là người mà nếu có xỉ mũi cũng chỉ dám xỉ trộm vào một chiếc mùi soa bằng vải kẻ ô vuông, – thì công tước lại chứng minh một cách bất ngờ rằng mọi người đều bình đẳng và đã nhiều lần công tước cắt nghĩa cho con cái hiểu rằng Mikhail Ivanovich không hề kém hai bố con ông về mặt nào hết.

Trong khi ăn, công tước lại hay nói chuyện với con người lầm lì, rụt rè ấy hơn cả. Trong gian phòng ăn, cũng cao ngất như tất cả các phòng khác trong nhà, gia nhân, người hầu túc trực, mỗi người đứng sau một chiếc ghế tựa, đang chờ công tước đi ra; người chủ thiện(1), khăn vắt trên cánh tay, soát lại bàn ăn, ra hiệu cho mấy người hầu vẻ mặt lo ngại luôn luôn liếc nhìn từ cái đồng hồ treo đến cái cửa mà công tước sẽ bước vào. Công tước Andrey nhìn một cái nhìn khung to tướng mạ vàng ở giữa là bảng gia hệ của dòng dõi Bolkonxki, mà chàng mới trông thấy lần thứ nhất. Đối diện với cái bảng ấy là một cái khung khác cũng to tướng, ở giữa là bức chân dung nét vẽ vụng về (rõ ràng là tác phẩm của một tay thợ vẽ ở địa phương) của một công tước đã trị vì đầu đội mũ miện, được coi là cháu của Rurik và là người sáng lập ra dòng họ thế gia Bolkonxki. Công tước Andrey nhìn bảng gia hệ và lắc đầu, mỉm cười như khi người ta nhìn thấy một bức chân dung giống người mẫu đến mức buồn cười. Chàng bảo công tước tiểu thư Maria đang bước lại gần chàng:

– Đúng là cung cách của ông cụ!

Tiểu thư Maria ngạc nhiên đưa mắt nhìn anh. Nàng không hiểu tại sao anh nàng lại cười. Tất cả những gì cha nàng đã làm đều nảy sinh trong lòng nàng một lòng sùng kính sâu xa, không ai được phép phê phán.

Công tước Andrey lại nói tiếp:

– Người nào cũng có một nhược điểm riêng. Thông minh tuyệt vời như cha mà lại có thể lẩn thẩn như thế này!

Công tước tiểu thư Maria không thể hiểu sao anh mình lại dám táo bạo như vậy, nàng đã toan cãi lại thì vừa nghe tiếng chân mà mọi người đang chờ đợi từ phía phòng làm việc vảng lại: công tước bước vào, dáng đi vội vàng, vui vẻ như thường lệ, tựa hồ công tước cố ý đi đứng, cử động nhanh nhẹn như vậy cho nó trái ngược cái trật tự nghiêm mật trong nhà. Đúng lúc ấy, chiếc đồng hồ treo lớn đánh hai tiếng, và có tiếng chuông nhỏ nhẹ thanh thanh của một chiếc khác hoạ lại trong phòng khách như một tiếng vang. Công tước dùng lại, dưới hai hàng lông mày rậm, đôi mắt linh hoạt, sáng và nghiêm, nhìn khắp mọi người một lượt rồi dừng lại trên nàng dâu. Bây giờ nàng có cái cảm giác của những kẻ triều thần đứng trước Sa hoàng, cái cảm giác sợ hãi và sùng kính ông già này vẫn gây nên trong lòng tất cả những người thân cận. Công tước vuốt tóc con dâu rồi vụng về lấy tay vỗ nhẹ vào gáy nàng.

– Cha rất mừng, cha rất mừng – Công tước nói đoạn lại nhìn nàng một lần nữa, nhìn thẳng vào mặt rồi bỗng đến ngồi vào bàn ăn và nói – Ngồi xuống, ngồi xuống.

Ông Mikhail Ivanovich ngồi xuống.

Công tước ra hiệu cho con dâu ngồi xuống cạnh mình. Một người hầu đưa cho nàng một cái ghế. Công tước nhìn thấy tấm thân tròn trĩnh của con dâu, kêu lên:

– Hô, hô! Vội quá, không tốt!

Công tước cười, tiếng cười khô khan, lạnh lùng, khó chịu như ông vẫn thường cười, chỉ cười bằng miệng, không cười bằng mắt.

Công tước nói tiếp:

– Phải đi bộ. đi bộ thật nhiều, thật nhiều.

Công tước phu nhân nhỏ nhắn không nghe thấy, hoặc giả không muốn nghe thấy những lời nói của bố chồng. Nàng làm thinh và lộ vẻ bối rối. Công tước hỏi thăm ông cụ thân sinh của nàng, nàng mỉm cười và bắt đầu nói. Công tước hỏi thăm nàng về những người quen biết chung. Phu nhân càng trở nên linh hoạt rồi bắt đầu kể chuyện, chuyển đến công tước lời những người quen nhắn chào và thuật lại cả những chuyện kháo vặt ở chốn đô thị. Mỗi lúc một thêm vui nàng nói:

– Tội nghiệp công tước phu nhân Apraksin, chồng vừa mất, bà ta khóc ráo hết nước mắt.

Nàng càng vui vẻ, linh hoạt lên bao nhiêu thì công tước nhìn nàng lại càng nghiêm nghị bấy nhiêu và bỗng nhiên như đã nghiên cứu đủ tính nết của nàng và đã có một ý niệm khá rõ về nàng, công tước quay sang nói với Mikhail Ivanovich:

– Này, Mikhail Ivanovich, nguy đến nơi cho anh chàng Buônapáctê rồi đấy. Theo như công tước Andrey kể lại – lệ thường nói đến con trai bao giờ công tước cũng vẫn dùng ngôi thứ ba, – thì người ta đã tập trung không biết bao nhiêu là lực lượng để đánh lại hắn. Mà tôi và anh thì cứ tưởng hắn là tay xoàng.

Mikhail Ivanovich, tuy không hề biết hai cha con công tước nói chuyện với nhau về Buônapáctê từ lúc nào, nhưng hiểu rằng người ta đang cần đến mình để gợi một câu chuyện thích thú, liền nhìn công tước Andrey ra vẻ ngạc nhiên, không hiểu là câu chuyện sẽ đi tới đâu.

Lão công tước trỏ viên kiến trúc sư bảo con trai:

– Đây là một nhà chiến thuật đại tài!

Rồi câu chuyện lại chuyển sang chiến tranh, sang Buônapáctê, sang các tướng lĩnh và chính sách đương thời. Hình như công tước không những tin chắc rằng tất cả những người hiện đang cầm quân, đang trị nước đều là nhãi ranh không biết đến những điều sơ đẳng của thuật quân sự và chính trị, rằng Buônapáctê là một anh người Pháp bé nhỏ, tầm thường, sở dĩ thành công chỉ vì không có một Poyomkin, một Xuvorov làm đối thủ, mà còn tin chắc rằng ở châu Âu hiện không có một khó khăn chính trị nào cả, cũng chẳng hề có chiến tranh mà chỉ có một thứ trò hề múa rối trong đó những nhân vật đương thời làm ra vẻ đóng một vai trò thực sự. Trước những lời chế giễu của ông đối với các nhân vật mới, công tước Andrey chỉ cười, và càng khích cho cha nói để mà nghe, với một nỗi vui thích rõ rệt. Chàng nói:

– Cái gì đờỉ trước bao giờ cũng tốt đẹp, nhưng chẳng phải chính ông Xuvorov ấy đã mắc mưu Moro không sao gỡ ra được là gì?

– Ai bảo anh thế? Ai bảo – Công tước quát lên và quẳng luôn cái đĩa đang ăn mà Tikhôn vội nhanh tay bắt lấy. – Xuvorov! Xuvorov à!… Này, công tước Andrey nghĩ cho kỹ đã hãy nói. Trên đời chỉ có hai người: Fridrich và Xuvorov mà thôi!… Moro lẽ ra đã bị bắt làm tù binh rồi; nhưng Xuvorov còn có cả một gánh nặng là cái viện ngự tiền quân sự(2) tham nghị của nước Áo trên vai. Đến quỉ sứ cũng phải bị vướng. Các anh có ở trong cuộc rồi thì mới rõ cái bọn trong viện ngự tiền quân sự tham nghị ấy. Xuvorov còn chịu không thể làm ãn gì với họ được, thế thì không biết Mikhail Kutuzov sẽ làm ăn thế nào? Không! Anh ạ, với hạng tướng tá của các anh, chẳng làm gì được Buônapáctê đâu; Các anh cần đến người Pháp kia, để cho họ từ bỏ người nước họ và đánh lẫn nhau. Người ta đã phái người Đức là Palen Moro đến New York ở Mỹ tìm anh chàng Pháp. – Công tước muốn nói đến việc năm ấy người ta đề nghị Moro sang giúp Nga – Tuyệt!… Thế các tướng Potyomkin Xuvorov, Orlov đều là người Đức cả đấy hẳn? Không, con ạ, hoặc là các anh đã hoá điên rồ cả rồi, hoặc là chính ta đã trở nên lẩm cẩm. Cầu Chúa giúp cho các anh, rồi chúng ta sẽ biết. Đối với họ, Buônapáctê mà cũng thành ra một danh tướng! Hừm!

– Con không hề nói là các kế hoạch ấy đều hay cả, con chỉ không hiểu nổi tại sao cha lại có thể coi khinh Buônapáctê đến thế. Cha muốn cười thì tuỳ ý chứ dù sao Buônapáctê cũng thành ra một danh tướng! Hừm!…

– Ông Mikhail Ivanovich? – Công tước gọi giật ông kiến trúc sư đang bận ăn món thịt quay và hy vọng rằng mình đã được bỏ quên trong câu chuyện. – Có phải là ta vẫn bảo anh rằng Buônapáctê là một nhà chiến thuật lớn không? Bây giờ anh ta cũng nói thế đấy nhé.

– Thưa cụ lớn, chính thế đấy ạ.

Công tước lại cất tiếng cười lạnh lùng quen thuộc.

– Buônapáctê đẻ vào giờ tốt. Hắn ta có quân lính giỏi. Trước tiên là hắn ta đánh Đức mà xưa nay chỉ có bọn lười biếng mới không thắng nổi quân Đức. Kể từ khi khai thiên lập địa ai cũng thắng quân Đức hết. Còn quân Đức thì chưa thắng ai lấy được một trận. Chúng chỉ thắng lẫn nhau mà thôi. Danh vọng Napoleon có được là nhờ đánh được những quân Đức ấy đấy.

Rồi lão công tước phân tích tất cả những sai lầm mà theo ý công tước, Buônapáctê đã phạm phải trong tất cả các chiến dịch và cả trong chính sự. Người con trai không hề cãi lại, nhưng có thể thấy rõ là dù có viện bao nhiêu lý lẽ cũng khó lòng có thể làm cho chàng thay đổi ý kiến, mà lão công tước thì cũng vậy. Công tước Andrey im lặng nghe, không hề phản đối, và cũng phải buộc lòng tự hỏi làm sao một ông lão đã bao nhiêu năm không hề ra khỏi chốn nông thôn, lại có thể am hiểu tường tận và biện luận tỉ mỉ và tinh vi như vậy về tình hình quân sự và chính trị ở châu âụ trong mấy năm gần đây. Lão công tước kết luận:

– Anh tưởng già cả như ta thì không hiểu rõ thời cuộc hay sao? Ta quan tâm đến thời cuộc lắm chứ. Đêm ta có ngủ được đâu. Vậy thì vị thiên tài quân sự của anh tàì giỏi ở chỗ nào, anh chứng minh ta xem.

Người con trai đáp:

– Nói ra thì dài lắm!

– Thế thì đi mà theo cái lão Buônapáctê của anh đi. – Rồi công tước nói to lên bằng một thứ tiếng Pháp rất hay – Cô Burien ạ, đây lại thêm một kẻ sùng bái vị hoàng đế mất dạy của cô đấy!

– Thưa công tước, công tước cũng biết con không thuộc phái Buônapáctê

“Có trời mới biết khi nào trở về… ” – Công tước khẽ hát, lạc cả điệu rồi lại cười một cách lạc điệu hơn nữa và đứng dậy.

Công tước phu nhân nhỏ nhắn suốt thời gian tranh luận và suốt bữa ăn vẫn im thin thít, hết nhìn công tước tiểu thư Maria lại nhìn bộ chồng vẻ sợ hãi. Khi mọi người đứng dậy, nàng khoác tay em chồng kéo sang phòng bên và nói:

– Cha thật là một người thông tuệ, có lẽ vì thế mà tôi sợ quá!

– Ồ, cha tốt lắm chị ạ! – Công tước tiểu thư Maria đáp.

Chú thích:

(1) Người gia nô chuyên trông nom việc bếp nước tiệc tùng trong các nhà quý tộc

(2) Cơ quan quân sự cao nhất của Áo: Nguyên văn chữ này – Hofskiregsrat – bị lão công tước nói trại ra thành Hofskriegswurtschnapsrat: nghiã là “Viện ngự tiền quân sự rượu chè xúc xích tham nghị”.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.