Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 3 - Chương 1



Công tước Vaxili không hề trù tính trước những kế hoạch của mình. Ông lại càng không nghĩ cách hại người để mưu lợi cho mình. Ông chỉ là một con người lịch duyệt ở đời, đã từng thành công trong giới xã giao và đã trót lấy việc thành công ấy làm một thói quen. Tuỳ theo từng hoàn cảnh và tuỳ theo những người ông tiếp xúc trong trí óc ông luôn luôn nảy ra những dự định, những điều suy tính mà chính ông cũng không có ý thức gì rõ rệt cho lắm, nhưng đó lại chính là tất cả hứng thú của dời ông. Trong đầu óc ông không phải chỉ có một kế hoạch hay một dự định, không phải chỉ có hai, mà có đến hàng chục, trong số đó có những kế hoạch đang bắt đầu có những kế hoạch đang hoàn thành, lại có những kế hoạch bị huỷ bỏ. Chẳng hạn ông không tự nhủ: “Tay này có thế lực đây, phải làm sao cho hắn tin ta, mến ta, để rồi nhờ hắn xin cho một khoản trợ cấp hoặc giả ông cũng không tự nhủ: “Bây giờ Piotr giàu rồi, ta phải dụ dỗ hắn lấy con gái ta và cho ta vay bốn vạn rúp mà ta đang cần”. Nhưng hễ gặp một người có thế lực, là lập tức bản năng của ông mách bảo ông rằng tay ấy có thể có ích, rồi công tước Vaxili sẽ làm quen, và thừa dịp đầu tiên, không hề chuẩn bị trước, chỉ do bản năng, ông sẽ nịnh hót, làm thân, nói những điều cần nói. Piotr bấy giờ đang ở Moskva, ngay trong tầm tay của công tước Vaxili, nên công tước liền lo cho chàng một chức phó thị tùng, – hồi đó cũng ngang với chức tư vấn quốc gia, và một mực mời chàng thanh niên lên Peterburg ghé lại nhà ông. Vởi cái dáng dường như lơ dễnh, nhưng đồng thời lại tin chắc rằng sự việc tất nhiên phải như vậy công tước Vaxili thu xếp mọi việc sao cho Piotr phải lấy con gái mình. Ví thử công tước có suy tính công việc từ trước, thì ông đã không sao có được cái vẻ tự nhiên như vậy trong khi giao thiệp và cái vẻ giản dị, thân mật như vậy trong khi đối xử với mọi người, cấp trên cũng như cấp dưới. Có một cái gì cứ luôn luôn thu hút ông ta lại gần những người có thế lực hơn và giàu có hơn ông, và ông bẩm sinh có cái tài nghệ hiếm có là biết chộp đúng cái mà mình cần và có thể lợi dụng người khác.

Piotr đùng một cái đã nghiễm nhiên trở nên giàu có, và trở thành bá tước Bezukhov. Nếu trước đây ít lâu chàng hãy còn cô dộc và vô tư lự thì nay chàng lại cảm thấy mình được săn đón và bận rộn đến mức chỉ khi lên giường đi ngủ chàng mới thấy mình ngồi lại với riêng mình. Chàng phải ký giấy tờ, đi lại những công sở hành chính mà chàng chẳng hiểu là quan trọng như thế nào, hỏi han viên quản lý về việc này việc nọ, đạp xe đến điền trang ở ngoại thành Moskva và tiếp rất nhiều người, những người trước kia chẳng bao giờ thèm biết đến chàng, nhưng bây giờ nếu chàng không tiếp thì họ sẽ phiền lòng và tủi cực lắm. Tất cả những nhân vật thuộc đủ các hạng người ấy – những người thương nhân, họ hàng, quen thuộc – Tất cả đều có thái độ hoà nhã, dịu dàng như nhau đối với chàng bá tước trẻ tuổi vừa thừa hưởng gia tài, và hiền nhiên là tất cả những người đó đều tin là Piotr sẵn có những đức tính cao quý. Piotr luôn nghe họ nói: “Đã có lòng nhân từ hiếm có như ngài thì… Với tấm lòng vàng của ngài” hay “Thưa bá tước, ngài vốn có tấm lòng cao thượng như vậy…” hay “Giá ông ta cũng thông minh được như ngài thì…” v.v… Đến nỗi chàng bắt đầu thành thực tin rằng mình có một lòng tốt hiếm có và một trí tuệ phi thường, đã thế xưa nay trong thâm tâm chàng vẫn nghĩ mình là người rất tốt bụng và rất thông minh. Ngay cả những người trước kia độc ác và thù ghét chàng ra mặt thì nay cũng tỏ ra dịu dàng âu yếm. Trong ba nữ công tước, có cô chị cả lưng dài quá cỡ và tóc nhẵn như tóc búp bê, mới hồi nào còn giận dữ hằn học là thế mà nay, sau tang lễ bá tước cũng thân hành đến phòng Piotr. Mắt nhìn xuống và mặt luôn đỏ bừng lên, cô ta nói với Piotr rằng cô rất lấy làm tiếc về những sự hiểu lầm trước đây giữa hai người và bây giờ cô biết mình không có quyền cầu xin điều gì hết, có chăng cũng chỉ là xin phép Piotr, sau cái tang đau đớn này, cho cô ở thêm vài tuần trong ngôi nhà mà cô đã từng tha thiết yêu quý nơi cô ta đã từng hy sinh nhiều như vậy. Nói đến dây, công tước tiểu thư không cầm lòng được nữa, liền oà lên khóc. Cảm động vì thấy con người lạnh lùng như pho tượng kia mà lại có thể thay đổi đến thế, Piotr nắm lấy tay công tước tiểu thư mà xin lỗi, tuy cũng chẳng biết xin lỗi cái gì. Kể từ hôm ấy công tước tiểu thư bắt đầu đan cho Piotr một cái khăn quàng sọc và thay đổi hẳn thái độ đối với chàng.

Một hôm công tước Vaxili đến nhờ Piotr ký giấy cấp một số tiền cho công tước tiểu thư và nói:

– Anh giúp cô ấy một chút anh bạn ạ, dù sao thì cô ta cũng đã đau khổ nhiều vì người quá cố.

Công tước Vaxili cho rằng dù sao cũng cần vứt mẩu xương thừa này – Một tờ ngân phiếu ba vạn rúp – Cho cô công tước tiểu thư khốn khổ kia, để cô ta dừng bao giờ bép xép về việc công tước Vaxili có dính líu đến vụ chiếc cặp da ghép nọ. Piotr ký tờ ngân phiếu, và từ dạo đó công tước tiểu thư lại càng hiền hậu hơn. Hai cô em cũng đối xử với Piotr dịu dàng hơn, nhất là cô em út, cái cô bé xinh xắn, có chiếc nốt ruồi, thường làm cho Piotr luống cuống vì những nụ cười và cái vẻ e thẹn của cô ta mỗi khi trông thấy chàng.

Piotr vẫn nghĩ rằng ai cũng quí mến mình là lẽ dĩ nhiên và nếu có ai không quí mến mình thì đó thật là một điều vô lý, cho nên chàng không thể không tin ở lòng thành thực của những người xung quanh. Vả lại, chàng cũng chẳng có thì giờ tự hỏi xem họ có thành thực hay không nữa. Chàng luôn luôn bận bịu, luôn cảm thấy mình đang ở trong một trạng thái ngây ngất, nhẹ nhàng và vui vẻ. Chàng cảm thấy mình là trung tâm của một sự chuyển động rất quan trọng của mọi vật; chàng cảm thấy những người xung quanh luôn luôn mong đợi ở chàng một cái gì; rằng nếu chàng không làm việc gì đấy thì nhiều người sẽ buồn phiền và chàng sẽ phụ lòng mong đợi của họ, còn nếu chàng sẽ làm việc này việc kia, thì mọi việc sẽ êm đẹp – Cho nên họ đòi hỏi gì chàng cũng ưng thuận, nhưng sao mãi vẫn không thấy sự việc êm đẹp hơn.

Trong thời gian đầu này, người bận tâm hơn cả về những công việc của Piotr cũng như về chính bản thân chàng chính là công tước Vaxili. Từ khi bá tước Bezukhov từ trần, ông chưa hề buông Piotr ra một phút. Công tước Vaxili có vẻ như một người tuy bận việc túi bụi, mệt nhọc, rã rời, nhưng vì ái ngại cho chàng quá, nên cuối cùng không nỡ bỏ mặc chàng thanh niên tội nghiệp kia cho số phận xoay vần và cho những kẻ bất lương lừa gạt, vì dù sao chàng cũng vẫn là con trai của bạn mình, và phải làm chủ một gia tài kếch xù như vậy. Trong mấy ngày còn ở Moskva sau khi bá tước Bezukhov chết, ông vẫn thường gọi Piotr lại gặp mình hay thân hành đến tìm Piotr, khuyên nhủ chàng làm những việc cần thiết, với một giọng nói mệt mỏi và quả quyết, có vẻ như cứ mỗi lần như vậy lại ngụ ý: “Anh cũng biết tôi bận trăm công nghìn việc và chẳng qua cũng vì thương tình mà tôi lo cho anh, vả chăng anh cũng thấy rõ ràng điều tôi bàn là cách duy nhất có thể làm được.

– Này, Piotr ạ, đến mai ta đi chơi nhé, – Một hôm công tước Vaxili nói với Piotr như vậy, hai mắt nhắm lại, mấy ngón tay xoa xoa lên khuỷu tay Piotr, giọng nghe có vẻ như điều ông vừa nói đã được thoả thuận từ đời nào giữa hai người, và không thể nào quyết định khác đi được. – Tôi rất mừng. Ở đây những việc quan trọng ta đã giải quyết xong xuôi cả rồi. Đáng lẽ tôi phải về từ lâu rồi kia. Đây, tôi vừa nhận được cái này của quan quốc vụ đại thần. Tôi có thỉnh cầu ông ta giúp anh, nên anh đã được sung vào ngoại giao đoàn và được bổ làm phó thị tùng. Bây giờ con đường ngoại giao đã mở ra trước mắt anh.

Mặc dầu khi nói mấy lời này công tước vẫn dùng cái giọng mệt mỏi quả quyết rất có tác dụng của ông, Piotr là người bấy lâu vẫn suy nghĩ về tương lai của mình, cũng đã toan cãi lại. Nhưng công tước Vaxili liền ngắt lời bằng cái giọng rất trầm như tiếng rùng rục trong cổ chim bồ câu, cái giọng khiến cho người nghe không thể nào ngắt lời mà công tước chỉ dùng khi cần phải thuyết phục người ta cho kỳ được.

– Nhưng anh bạn ạ, tôi làm việc này là làm cho tôi, cho lương tâm của tôi, chứ có gì đâu mà cảm ơn. Chưa bao giờ có ai đi than phiền rằng người ta quý mến mình quá; vả chăng anh vẫn tự do, ngày mai có muốn thôi chức cũng được kia mà. Rồi đến Peterburg tự anh sẽ thấy hết. Đáng lẽ anh phải đi cho xa những kỷ niệm khủng khiếp này từ lâu mới phải – Công tước Vaxili thở dài – Cứ thế nhé, Piotr nhé, xe của anh thì để cho tên hầu phòng của tôi đi cũng được. À phải! Tí nữa thì quên mất – công tước Vaxili lại nói thêm – Chắc anh biết rằng trước đây ông cụ thân sinh với tôi có giao dịch tiền nong, vì vậy tôi có thu mấy món ở đất Ryazan và sẽ giữ lại: nay anh không cần đến. Rồi ta sẽ thanh toán sau.

– Cái mà công tước Vaxili gọi là “mấy món ở đất Ryazan” tức là mấy nghìn rúp địa tô mà ông ta giữ lại cho mình.

Ở Peterburg, cũng giống như ở Maxkava, Piotr lại thấy cái không khí niềm nở của những con người vồ vập, thân thiện bao bọc quanh mình. Chàng không thể khước từ cái chức vụ, hay đúng hơn là cái tước vị (vì chàng chẳng làm gì cả) mà công tước Vaxili đã lo cho chàng, còn những người mới quen biết, những cuộc mời mọc, giao tiếp thì nhiều đến nỗi Piotr có cám giác rõ rệt hơn ở Moskva nữa, rằng xung quanh mình có một cái gì mơ hồ và vội vã, có một cái gì tốt lành đang sắp đến, nhưng mãi vẫn chưa thấy đâu cả.

Trong số những bạn bè cũ chưa vợ của Piotr, nhiều người không còn ở Peterburg nữa. Quân cận vệ đã đi chiến dịch, Dolokhov đã bị giáng chức, Anatol thì nay đang tại ngũ ở thôn quê, công tước Andrey thì đang ở nước ngoài, cho nên Piotr không được vui chơi suốt dêm như ngày trước chàng vẫn thích, cũng không được thỉnh thoảng bộc lộ tâm sự với người bạn hơn tuổi mà chàng vẫn kính trọng. Tất cả thì giờ của chàng đều dành cho những bữa tiệc, những buổi khiêu vũ và chủ yếu là nhà công tước Vaxili cùng với bà vợ béo tốt của công tước và con gái của ông, nàng Elen xinh đẹp.

Anna Pavlovna Serer, cũng như mọi người khác, cũng cho Piotr thấy rõ có sự thay đổi diễn ra trong cách nhìn của xã hội đối với chàng.

Trước kia khi có mặt Anna Pavlovna, Piotr luôn cảm thấy những điều mình nói ra đều khiếm nhã, không lịch sự, không đúng chỗ; chàng thấy những lời mình tưởng là thông minh trong khi đang chuẩn bị sẵn trong trí óc, thì lại hoá ra ngớ ngẩn khi nói to lên, và trái lại, những lời lẽ đần độn nhất của Ippolit đều tỏ ra ý nhị và đáng yêu. Đến bây giờ thì dù chàng nói gì cũng thành ra thú vị cả.

Dù Anna Pavlovna không nói ra như vậy đi nữa, thì chàng cũng thấy rằng phu nhân rất muốn nói điều đó ra, nhưng chẳng qua cũng vì tôn trọng tính khiêm tốn của chàng mà tránh nói đó thôi.

Vào đầu mùa đông năm 1805 tiếp sang 1806, Piotr nhận được một tấm thiếp quen thuộc của Anna Pavlovna, dưới có chú ý thêm: “Đến nhà tôi ông sẽ gặp nàng Elen xinh đẹp, ngắm không bao giờ chán mắt”.

Khi đọc đến câu này, Piotr lần đầu tiên bỗng cảm thấy giữa chàng và Elen đã hình thành một mối liên hệ nào đó được những người khác thừa nhận, và ý nghĩ này đồng thời khiến cho chàng kinh hãi, dường như chàng bắt đầu phải lĩnh một trách nhiệm mà mình không thể làm tròn, nhưng đồng thời cũng làm cho chàng thấy vui thích như một điều phỏng đoán ngộ nghĩnh.

Buổi tiếp tân của Anna Pavlovna cũng giống như những buổi trước, chỉ có điều là món ăn mới lạ mà Anna Pavlovna đem thết tân khách hôm nay không phải là Montmorency nữa, mà là một nhà ngoại giao từ Berlin đến, mang theo những chi tiết mới nhất về việc vua Alekxandr ghé chân ở Potxdam và việc hai người bạn chí tôn đã thề sát cánh bên nhau bảo vệ chính nghĩa chống lại kẻ thù của nhân loại.

Piotr được Anna Pavlovna ra đón tiếp với một vẻ buồn rầu, hẳn là vì nhớ đến sự tổn thất mà chàng thanh niên vừa phải chịu, vì cái chết của bá tước Bezukhov (mọi người đều một mực cho rằng mình có bổn phận phải giải quyết với Piotr là chàng rất đau buồn về cái chết của cha chàng, người mà chàng hầu như không biết), và cái vẻ buồn này cũng y hệt như cái vẻ buồn cao cả hiện lên mỗi khi nhắc đến đức hoàng thái hậu Maria Feodorovna. Điều này khiến Piotr cảm thấy hãnh diện.

Với cái khéo léo thường có, Anna Pavlovna sắp xếp các nhóm nói chuyện trong phòng khách của mình. Một nhóm khá đông, gồm công tước Vaxili và mấy vị tướng, được nói chuyện với nhà ngoại giao. Một nhóm khác quây quần bên chiếc bàn trà nhỏ. Piotr muốn gia nhập nhóm thứ nhất, nhưng Anna Pavlovna, bấy giờ đang ở trong cái trạng thái khích động của một tướng lĩnh trên chiến trường, khi hàng nghìn sáng kiến mới mẻ và trác việt thi nhau xô đến, khiến người ta không kịp đem ra thi hành nữa; Trông thấy Piotr, bà liền lấy ngón tay chạm vào ống tay áo chàng.

– Khoan, tối nay tôi đã nhắm trước cho ông rồi đấy! – Bà nhìn sang phía Elen và mỉm cười với nàng.

– Cô Elen tốt bụng của tôi ơi, cô cần phải đoái thương đến bà dì tội nghiệp của tôi, là người vẫn rất hâm mộ cô. Xin cô đến với bà dì tôi mười phút cho có bạn. Và để cho cô đỡ buồn, đây có vị bá tước đáng mến sẽ vui lòng đến với cô.

Mỹ nhân đi về phía bà dì, nhưng Piotr thì Anna Pavlovna vẫn giữ lại bên cạnh mình: phu nhân có vẻ như cần dặn dò chàng điều gì cần thiết một lần cuối cùng nữa. Anna Pavlovna chỉ người thiếu nữ trang trọng đang đi xa dần, bảo Piotr:

– Cô ấy mới đẹp mê hồn phải không nào? – Mà cái dáng điệu mới thuyệt chứ? Một thiếu nữ ít tuổi như vậy thật là trang nhã, đi đứng thật là có nghệ thuật! Phải có một tấm lòng thật tốt mới có thể như vậy! Người nào sau này lấy được nàng thật là một người diễm phúc. Lấy nàng thì một người, chồng có kém lịch duyệt đến đâu cũng tự dưng có được một địa vị xuất sắc trong xã hội. Có phải không bá tước? Tôi chỉ muốn biết ý kiến của ông thôi, – rồi Anna Pavlovna để cho Piotr đi.

Piotr thành thực gật đầu tán thành khi Anna Pavlovna hỏi chàng về cái nghệ thuật đi đứng của của Elen. Xưa nay nếu chàng có lúc nào nghĩ đến Elen thì cũng chính là nghĩ đến sắc đẹp của nàng và cái nghệ thuật đặc biệt giữ một phong thái trang trọng, ít nói, điềm tĩnh ở những nơi giao tiếp.

Bà dì ngồi trong xó của mình tiếp hai người khách trẻ tuổi, nhưng hình như ba muốn che dấu lòng hâm mộ của mình đối với Anna Pavlovna nhiều hơn. Bà đưa mắt nhìn người cháu, dường như muốn hỏi xem mình phải nói năng như thế nào với hai người khách kia. Khi rời ba người, Anna Pavlovna lại lấy ngón tay chạm vào ống tay áo của Piotr mà nói:

– Tôi hy lọng rằng ông sẽ không còn bảo là ở nhà tôi người ta phát chán nữa! – rồi phu nhân đưa mắt nhìn Elen.

Elen mỉm cười dường như muốn nói rằng nàng không thể nào thừa nhận là trên đời này có ai nhìn thấy nàng mà lại không ngây ngất. Bà dì đằng hắng mấy tiếng, nuốt nước bọt rồi nói bằng tiếng Pháp rằng được gặp Elen bà rất lấy làm mừng; sau đó bà quay sang phía Piotr cũng với bộ mặt ấy và cũng nói những lời chào đón ấy.

Giữa chừng câu chuyện vô vị và lủng củng với bà dì, Elen liếc nhìn Piotr mỉm cười với chàng, một nụ cười sáng sủa, xinh đẹp như nàng vẫn cười với mọi người. Piotr đã quá quen với nụ cười ấy, đối với chàng nó chẳng có ý nghĩa là bao, nên chàng không hề chú ý đến.

Lúc đó bà dì đang nói về những chiếc hộp đựng thuốc lá mà tổ tiên cụ cố thân sinh của Piotr là bá tước Bezukhov đã sưu tập được, rồi đưa chiếc hộp của mình ra cho Piotr xem. Công tước tiểu thư Elen xin bà dì cho xem bức chân dung của chồng bà khắc vào nắp hộp.

– Cái này chắc do Binex làm, – Piotr nói (Binex là tên một người làm chân dung thu nhỏ có tiếng). Chàng cúi mình trên bàn để cầm lấy chiếc hộp dựng thuốc lá, tai lắng nghe câu chuyện ở bàn bên kia.

Chàng đứng dậy, định đi vòng đến lấy, nhưng bà dì đã đưa chiếc hộp vòng qua lưng Elen. Elen cúi mình về phía trước để cho rộng lối, và mỉm cười liếc nhìn ra sau. Cũng như trong mọi buổi dạ hội, Elen mặc một chiếc áo dài hở rất rộng ở phía trước ngực và phía lưng – theo thời trang hồi bấy giờ. Đôi vai của nàng mà trước nay Piotr vẫn có cảm giác là làm bằng cẩm thạch, bấy giờ ở gần sát mặt chàng đến nỗi đôi mắt cận thị của chàng bất giác trông thấy rõ cả làn da mơn mởn trên vai và cổ nàng, và gần kề môi chàng đến nỗi chàng chỉ cúi xuống một chút là sẽ chạm vào da nàng. Chàng cảm thấy hơi ấm của thân hình nàng, ngửi thấy mùi thơm của nước hoa và nghe thấy tiếng xát khẽ cúa chiếc coọc xê khi nàng cử động.

– Cái mà chàng trông thấy không phải là cái vẻ đẹp như cẩm thạch của nàng, vốn gộp lại thành một bộ áo của nàng, chàng trông thấy và cảm thấy tất cả cái mỹ miều quyến rũ của tấm thân nàng dưới làn áo. Và khi đã thấy như vậy rồi thì chàng không thể nào thấy khác được nữa, cũng như một khi bị lầm và sau đó đã được biết rõ rồi thì ta không thể nào lại lầm như trước nữa.

Cái nhìn của Elen như muốn nói: “Thế ra trước nay anh không thấy tôi đẹp sao? Anh không nhận thấy rằng tôi là một người đàn bà? Phải, tôi là một người đàn bà, có thể thuộc quyền sở hữu của một người đàn ông nào đấy, của anh cũng nên”.

Và ngay phút ấy Piotr, chợt cảm thấy Elen không những có thể mà còn phải là vợ chàng, không thể nào khác thế được. Trong giây phút ấy chàng biết như vậy một cách chắc chắn không kém gì khi chàng sẽ đứng bên nàng trước bàn thờ hôn lễ. Bao giờ sẽ đến lúc ấy? Và lúc ấy sẽ ra sao? – Cái đó thì chàng không biết; chàng cũng không biết là như vậy có tốt hay không (thậm chí chàng còn cảm tưởng rằng như vậy không được tốt, chẳng hiểu tại sao), nhưng chàng biết rằng nhất định rồi sẽ đến lúc như vậy.

Piotr cụp mắt xuống không nhìn nữa, rồi lại ngước mắt lên, muốn trông thấy nàng cũng xa lạ đối với chàng như mọi lần trước, nhưng không được. Chàng không sao thấy nàng xa lạ như vậy được nữa, cũng như một người nhìn vào sương mù thấy một ngọn cỏ mà cứ tưởng là một cái cây, rồi đến lúc nhận ra đây là một ngọn cỏ rồi, thì không thể nào thấy lại cái cây như trước nữa. Nàng đã có một quyền lực nào đối với chàng rồi. Và bây giờ giữa hai người đã không còn gì trở ngại ngoài ý muốn của bản thân chàng.

Có tiếng của Anna Pavlovna nói:

– Được lắm, tôi xin anh chị ngồi với nhau trong cái góc âm cúng của anh chị. Ngồi đây hẳn anh chị thích lắm!

Và Piotr lo sợ ôn lại trong trí nhớ xem nãy giờ mình có làm điều gì đáng chê trách không, chàng đỏ mặt và bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh. Chàng có cái cảm giác là mọi người đều biết cái việc vừa xảy ra với chàng một cách tường tận chẳng kém gì mình.

Một lát sau, khi nghe Piotr lại gần nhóm đông khách khứa đang nói chuyện, Anna Pavlovna hỏi chàng.

– Nghe nói ông đang cho sửa sang lại toà nhà của ông ở Petersburg cho đẹp phải không?

(Đúng thế, viên kìến trúc sư có bảo rằng việc đó rất cần cho chàng, nên tuy chẳng hiểu đề làm gì, Piotr cũng cho tu sửa lại toà nhà đồ sộ của chàng ở Peterburg).

– Tốt đấy, nhưng ông cứ ở lại nhà công tước Bazil đã nhé. Có được một người bạn tốt như công tước thật là quý hoá lắm.

Anna Pavlovna vừa nói vừa nhìn công tước Vaxili tủm tỉm:

– Về mặt ấy tôi cũng có biết ít nhiều đấy phải không nào, vả lại ông còn trẻ quá. Ông cần có người khuyên bảo. Tôi sử dụng quyền hạn của một bà già như thế này ông đừng giận nhé – Anna Pavlovna im lặng một lát như đàn bà vẫn thường im lặng sau khi nói về tuổi tác của mình, để chờ đợi người nghe nói lại một cái gì – Nếu ông cưới vợ thì lại khác. – Và bà ta lần lượt nhìn Piotr và Elen như muốn ghép họ lại thành một.

Piotr không nhìn sang Elen, và Elen cũng không nhìn chàng. Nhưng Piotr vẫn thấy nàng gần mình một cách đáng sợ. Chàng nói lúng búng một câu gì không rõ và đỏ mặt.

Về đến nhà, Piotr nằm giờ lâu không ngủ được, cứ suy nghĩ về điều vừa xảy ra với chàng. Việc gì xảy ra thế nhỉ? Chả có việc gì cả.

Chỉ có điều là chàng đã hiểu ra rằng người đàn bà mà chàng đã biết từ hồi chàng là một cậu bé, người mà mỗi khi nghe ai ca ngợi sắc đẹp chàng chỉ lơ đễnh trả lời: “Vâng, đẹp”, thì nay chàng đã hiểu rằng người đàn bà đó có thể thuộc về mình.

“Nhưng cô ta đần, chính mình cũng vẫn nói rằng cô ta đần – Piotr nghĩ thầm – Trong cái cảm giác mà cô ta gây ra trong lòng mình, có một cái gì xấu xa, có một cái gì không phải ấy. Nghe nói em ruột cô ta là Anatol phải lòng cô ta, mà cô ta cũng cảm Anatol. Nghe đâu đây là cả một câu chuyện lôi thôi, và chính vì thế cho nên người ta mới phải cho Anatol đi nơi khác. Anh cô ta là Ippolit… Cha cô ta là công tước Vaxili… không tốt” – Chàng nghĩ: và trong khi suy luận như vậy (vả chăng những điều suy luận này cũng chỉ dở chừng) chàng bất chợt thấy mình đang mỉm cười và nhận ra rằng ở phía sau những suy luận này lại ló ra một loạt những suy luận khác, rằng mình đang cùng một lúc vừa nghĩ đến những cái xấu xa, vô vị của Elen, vừa mơ tưởng đến khi nàng là vợ mình, chàng mơ tưởng nàng có thể sẽ yêu mình, nàng có thể biến thành một người khác hẳn, rằng tất cả những điều mà chàng nghĩ và nghe nói về nàng đều có thể sai sự thật. Thế rồi chàng lại thấy nàng, không phải cô gái của công tước Vaxili, mà chàng thấy cả tấm thân của nàng chỉ che đậy sơ sài dưới làn áo màu xám. “Nhưng mà lạ, thế tại sao trước đây ta không hề thoáng có ý nghĩ này?” Và chàng lại tự nhủ rằng không thể như thế được, rằng có một cái gì xấu xa, trái tự nhiên, có một cái gì hình như không lương thiện trong cuộc hôn nhân này. Chàng sực nhớ đến những lời nói trước đây của nàng, và những lời lẽ, những cái nhìn của những người thấy họ đứng bên nhau. Chàng nhớ lại những lời lẽ, những cái nhìn của Anna Pavlovna khi bà ta nói với chàng về chuyện toà nhà, nhớ lại hàng nghìn câu nói bóng gió xa xôi của công tước Vaxili và của những người khác nữa, và chàng đâm hoảng, không biết mình đã nhỡ mắc chân vào chuyện này chưa, không biết vừa qua mình có làm gì để đến nỗi bị trói buộc vào cái bổn phận phải làm một việc xem ra không được tốt, một việc mà đáng lẽ mình không được làm. Nhưng đồng thời, trong khi chàng tự quả quyết nói với mình là không được làm như vậy thì từ một góc cạnh khác của tâm hồn chàng lại hiện lên hình ảnh nàng, với tất cả sắc đẹp lộng lẫy của một người đàn bà.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.