Đám tang William Lowell Kane có đông người dự. Richard và Florentyna đứng một bên Kate, còn Virginia và Lucy đứng một bên. Bà nội Kane nếu còn sống chắc sẽ bằng lòng. Ba Thượng nghị sĩ, năm hạ nghị sĩ, hai giám mục, hầu hết chủ tịch những ngân hàng lớn và ông chủ tờ Nhật báo phố Wall đã tới dự. Jake Thomas và các giám đốc ngân hàng Lester cũng có mặt. Họ cúi đầu cầu nguyện một ông Chúa mà William chẳng bao giờ thật sự cần đến.
Không ai để ý đến hai ông già đứng phía sau đám đông. Họ cũng cúi đầu nhưng trông như không liên quan gì đến những người khác trong đám tang này. Họ đến chậm ít phút và sau khi làm lễ xong đã nhanh chóng ra về. Florentyna nhận ra ông già thấp hơn và có một bên chân hơi thọt đó bỏ đi một cách vội vã. Cô nói với Richard. Hai người không nhắc lại chuyện ấy cho Kate Kane biết.
Mấy ngày sau, người cao lớn hơn trong hai ông già ấy đến gặp Florentyna tại cửa hàng của cô trên Đại lộ Năm. Ông ta nghe nói cô sắp trở về San Francisco nên có cần sự giúp đỡ của cô trước khi cô đi. Cô chăm chú nghe điều ông ta nói và vui lòng đáp ứng ngay yêu cầu của ông.
Chiều hôm sau Richard và Florentyna đến khách sạn Nam tước. George Novak đã đứng đó đón và đưa họ lên tầng bốn mươi hai. Sau mười năm Florentyna hầu như không nhận ra được bố cô, lúc này đang ngồi thẳng trên giường, chưa phải dựa vào gối, đeo đôi mắt kính bán nguyệt ở đầu mũi và còn cười một cách ngang tàng. Hai bố con nói về những ngày hạnh phúc đã qua. Cười thì ít nhưng khóc thì nhiều.
– Anh phải tha thứ cho chúng tôi, Richard, – Abel nói. – Người Ba Lan vốn là một giống tình cảm.
– Con biết. Mấy đứa trẻ của con có một nửa là Ba Lan. – Richard nói.
Tối hôm đó họ cùng ăn với nhau, nếm món thịt bê quay rất ngon. Abel bảo như thế mới xứng với sự trở về của cô con gái hoang tàng. Ông nói về tương lai, dự kiến về những phát triển của công ty.
– Ở mỗi khách sạn đều phải có một cửa hàng Florentyna, – ông nói.
Cô cười và đồng ý.
Ông nói với Richard về nỗi ân hận của ông đối với bố anh. Ông kể lại chi tiết những lỗi lầm của ông trong bao nhiêu năm qua. Hóa ra ông chưa hề có một lúc nào nghĩ được rằng William Kane chính là người đã làm ơn cho ông, và bây giờ thì không còn có dịp nào cảm ơn ông ấy được nữa.
– Chắc ông cũng đã hiểu, – Richard nói.
– Anh chị biết không, chúng tôi đã gặp nhau, cái ngày ông qua đời ấy, – Abel nói.
Florentyna và Richard nhìn ông kinh ngạc.
– Đúng đấy, – Abel nói. – Chúng tôi qua mặt nhau trên Đại lộ Năm. Ông ấy có đến xem khai mạc cửa hàng của anh chị. Ông ấy trông thấy tôi và có nhấc mũ lên chào. Như thế là đã quá đủ rồi.
Abel chỉ có một yêu cầu đối với Florentyna. Tức là cô và Richard cùng đi với ông, trong vòng chín tháng nữa, sang Warsaw để khai mạc khách sạn mà chỉ có chủ tịch công ty Nam tước mới khai mạc được.
Mấy tháng sau đó vợ chồng Kane về thăm Abel luôn và Florentyna lại gần gũi bố như trước. Abel tỏ ra khâm phục Richard và ý kiến sáng suốt của anh đã biết kiềm chế những tham vọng của con gái ông. Ông rất quý cháu ngoại. Annabel rồi sẽ rất ra gì cho mà coi. Abel ít khi thấy cuộc đời mình hạnh phúc như vậy ông chuẩn bị kế hoạch cho một cuộc hồi hương vui vẻ để khai mạc khách sạn Nam tước Warsaw.
* * *
Chủ tịch công ty Nam tước khai mạc khách sạn Nam tước Warsaw chậm hơn sáu tháng so với dự kiến. Hợp đồng xây dựng ở Warsaw cũng chậm chạp như bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Trong bài diễn văn đầu tiên của mình với tư cách chủ tịch công ty, Florentyna nói với khách tham dự rằng niềm tự hào của cô về khách sạn rất đẹp này cùng pha lẫn với niềm thương tiếc là cha cô đã qua đời không thể có thêm một lần đích thân khai mạc Nam tước Warsaw.
Trong chúc thư, Abel để lại tất cả cho Florentyna trừ có một vật nhỏ là quà tặng: chiếc vòng bạc chạm trổ, rất hiếm, vô giá, có khắc chữ “Nam tước Abel Rosnovski”.
Người được hưởng chiếc vòng ấy là cháu của ông, William Abel Kane.