Hồng Lâu Mộng

Chương 110: Sử Thái quân tuổi già về nơi địa phủ



Sử Thái quân tuổi già về nơi địa phủ

Vương Hy Phượng sức kiệt làm mất lòng người

Giả mẫu ngồi dậy và nói

– Ta về nhà đây đã hơn sáu mươi năm, phúc cũng hưởng hết rồi. Từ cha con đến con cháu cũng đều tốt cả. Nhất là Bảo Ngọc, ta thương yêu nó lâu nay…

Nói đến đó, bà ta mở to mắt nhìn khắp mọi nơi, Vương phu nhân đẩy Bảo Ngọc đến trước giường.

Giả mẫu giơ tay từ trong chán ra. nấm lấy Bảo Ngọc và nói

– Cháu ơi, cháu phải làm nên mới được.

Bảo Ngọc miệng vâng dạ, trong lòng đau xót, nước mắt trào ra nhưng lại không dám khóc, đành phải đứng đấy. Giả Mẫu lại nói:

– Ta trông thấy đứa chắt nữa thì sẽ an tâm. Chắt Lan đâu rồi?

Lý Hoàn cũng đẩy Giả Lan lại gần.

Giả mẫu buông Bảo Ngọc nắm lấy Giả Lan và nói

– Chắt phải hiếu thuận với mẹ nhé? Sau này chắt nên người cũng phải để cho mẹ chắt mở mày mở mặt một chút? Con Phượng đâu rồi?

Phượng Thư đang đứng một bên, vội vàng chạy lại trước mặt và nói

– Cháu đây ạ.

– Cháu ơi. cháu thông minh quá, sau này nên tu lấy phúc nhé! Ta cũng không hề tu gì, chẳng qua lòng ngay thiệt đấy thôi. Những việc ăn chay niệm phật, ta cũng không hay làm. Năm trước đây ta có bảo viết kinh Kim Cương đưa cho mọi người, không biết đã đưa xong chưa?

– Chưa ạ.

– Phải làm xong cho sớm mới phải. Ông Cả nhà ta và cháu Trân thì ở ngoài vui vẻ rồi, ta chỉ giận là con Sử vô tình, tại sao nhất định không đến thăm ta?

Bọn Uyên ương biết rõ duyên cớ nhưng đều không dám nói.

Giả mẫu lại nhìn Bảo Thoa, thở dài, sắc mặt đỏ lên. Giả Chính biết là Giả mẫu sắp tắt thở, vội vàng bưng nước sâm đến. Giả mẫu đã cắn chặt răng và nhắm mắt lại ; một lát lại mở to mắt nhìn khắp nhà. Vương phu nhân và Bảo Thoa chạy lại, nhè nhẹ

đỡ lấy. Hình phu nhân và Phượng Thư vội vàng mặc áo. Bọn Bà già đã đặt giường và trải chăn nệm sẵn sàng. Nghe trong cổ Giả mẫu hơi khò khè và trên mặt mỉm cười, rồi tắt thở, thọ tám mươi ba tuổi. Bọn bà già vội vàng đặt nằm lên giường. Bọn Giả Chính quỳ một hên ở ngoài. Bọn Hình phu nhân quỳ một bên ở nhà trong. Mọi người đều cất tiếng khóc. Người nhà ở ngoài đều đã sắp đặt mọi việc sẵn sàng. Khi nghe tin trong này truyền ra thì khắp trong ngoài, cánh cửa mở toang, dán toàn giấy trắng. Lập tức đựng rạp tang và lầu tế ở ngoài cửa lớn. Ngay đó các người trên dưới đều mặc đồ tang.

Giả Chính báo tin về việc mẹ chết. Bộ lễ tâu lên. Nhà vua là người rất nhân hậu. Nghĩ bà ta dòng dõi nhà công thần, lại là bà nội của Nguyên phi nên ban thưởng một ngàn lạng bạc, và sai bộ lễ chủ tế. Người nhà báo tang đi các nơi. Bà con bạn hữu tuy biết họ Giả đã suy, nhưng nay thấy nhà vua ban ơn hậu hĩ, nên đều đến thăm viếng. Chọn giờ tốt nhập liệm, rồi đặt linh cữu giữa nhà chính.

Giả Xá không ở nhà. Giả Chính làm trưởng ; Bảo Ngọc, Giả Hoàn và Giả Lan là cháu chắt ruột lại còn ít tuổi nên đều phải ở luôn bên linh cữu. Giả Liễn tuy cũng là cháu ruột. nhưng phải cùng với Giả Dung lo cắt đặt người nhà làm việc. Tuy có mời một số đàn ông, đàn bà họ ngoại đến trông nom, nhưng bọn Hình phu nhân, Vương phu nhân, Lý Hoàn, Phượng Thư, Bảo Thoa, đều phải ở bên linh sàng khóc lóc ; Vưu thị tuy có thể trông nom nhưng từ khi Giả Trân đi rồi, chị ta ở nhờ phủ Vinh, lâu nay việc gì cũng không dám đảm đang. Vả lại việc ở đây cũng không thông thạo lắm. Vợ Giả Dung thì không cần phải nói nữa. Tích Xuân còn ít tuổi, tuy rằng lớn lên ở nhà này, nhưng đối với việc nhà, cô ta không biết gì cả. Thành ra, ở trong chẳng có

một người nào trông nom. Chỉ có Phượng Thư là người có thể trông nom công việc bên trong. Vả lại Giả Liễn làm chủ ở ngoài, trong ngoài do hai vợ chồng trông nom cũng là hợp lý. Trước kia, Phượng Thư cậy tài, nghĩ rằng khi bà cụ chết, mình sẽ có dịp để trổ tài làm việc. Hình phu nhân và Vương phu nhân vốn biết chị ta đã từng lo việc tang Tần thị nên tin rằng thế nào chị ta cũng làm được chu đáo, vì thế hai người vẫn bảo Phượng Thư coi hết mọi việc bên trong. Phượng Thư không thể từ chối, cố nhiên là phải nhận lời. Chị ta nghĩ

“Việc nhà đây vốn do mình coi, bọn người nhà đều là tay chân của mình. Người nhà của bà Cả và chị Trân vốn khó sai bảo, thì nay đều đi cả rồi. Khoản tiền dù không có đối bài, nhưng đã sẵn sàng từ trước. Việc ở ngoài lại do cậu ấy lo liệu. Mặc dầu người mình không được khỏe, nhưng cũng

không đến nỗi để người ta chê bai. Thế nào cũng còn lo liệu chu tất hơn khi ở phủ Ninh nữa.”Trong bụng chị ta đã định sẵn, chờ đến ngày mai nhận việc rồi sáng hôm sau sẽ cắt đặt công việc. Chị ta sai vợ Chu thụy chuyển lời ra để lấy danh sách gia nhân vào xem.

Phượng Thư xem kỹ thì thấy hầu trai chỉ có hai mươi mốt người, hầu gái chỉ có mười chín người, còn đều là bọn a hoàn. Tính hết các phòng, số a hoàn cũng chỉ có hơn ba mươi người, thật khó cắt đặt công việc. Chị ta nghĩ: “lần này là việc bà mình, mà lại không đông người bằng ở phủ đông trước kia”. Rồi chị ta lại cho gọi thêm mấy người ở các trại đến, nhưng cũng vẫn không đủ sai khiến

Phượng Thư đang suy tính thì thấy một a hoàn nhỏ đến nói:

– Chị Uyên ương nói muốn gặp mợ.

Phượng Thư đành phải sang thì thấy Uyên ương khóc lóc, nước mắt dầm dề. Chị ta nắm ngay lấy Phượng Thư và nói

– Mời mợ ngồi, cho tôi lạy mợ, tuy rằng trong khi có tang không làm lễ. nhưng tôi vẫn cần phải lạy.

Uyên Ương nói rồi quỳ xuống. Phượng Thư vội vàng đỡ lấy và nói

– Lạy lục gì thế? Có việc gì chị cứ nói cho rõ.

Uyên ương vẫn quỳ. Phượng Thư kéo dậy. Uyên ương nói

– Cụ bà mất. tất cả mọi việc trong ngoài đều do cậu và mợ lo liệu. Tiền bạc thì cụ bà đã để lại. Suốt đời cụ bà cũng không hề xa phí gì, giờ đây xảy đến việc lớn này, nhất thiết xin mợ lo liệu cho có bề thế một tý mới được. Vừa rồi tôi nghe ông lớn nói những “thi vân, tử viết” gì đó. tôi cũng không hiểu. Lại nghe nói

“đám tang. thà buồn thương hơn là bày biện linh đình”. Tôi lại càng không rõ ràng. Tôi hỏi mợ Hai Bảo, thì mợ ấy nói

“ý của ông lớn cho rằng, tang của cụ bà chỉ cần thương buồn

mới là thực hiếu, không nên nghĩ đến việc xa phí nhiều để rầy thể diện.” Tôi nghĩ người như cụ bà, sao lại không nên làm cho có thể diện. Tôi tuy là con hầu, dám nói sao được? Nhưng mà cụ bà lâu nay thương yêu mợ và tôi, giờ đến khi chết lại không để cho người được mát mặt một chút hay sao? Tôi nghĩ mợ là người có tài lo liệu việc lớn, cho nên tôi mời mợ đến làm chủ. Tôi sống theo hầu cụ bà. Nay cụ bà chết rồi, tôi cũng xin đi theo hầu cụ bà! Nếu công việc không lo liệu ra sao, thì sau này tôi còn mặt mũi nào mà gặp cụ bà nữa?

Phượng Thư nghe câu nói kỳ quặc, liền nói

– Chị cứ yên tâm, muốn cho có thể diện thì khó gì. Tuy ông lớn nói muốn tằn tiện, nhưng nề nếp cũng phải giữ. Dẫu có đem hết số tiền ấy lo về việc cụ bà thì cũng là phải.

– Cụ bà trối lại rằng

những cái gì còn thừa sẽ để lại cho chúng tôi. Nếu mợ tiêu không đủ thì xin cứ đem những cái ấy bán đi mà bù vào. Dầu ông lớn có nói gì. cũng không thể trái lời trối lại của cụ bà. Vả lại lúc cụ bà dặn dò không phải là ông lớn

cũng ở đó và cũng nghe thấy hay sao?

– Chị lâu nay vốn rất sáng suốt, tại sao giờ đây lại cuống quít lên như thế?

– Không phải tôi cuống quít, nhưng vì bà Cả thì cứ để mặc, ông lớn thì sợ tiếng tăm. Nếu trong bụng mợ mà cũng nghĩ như ông lớn cho là nhà đã bị tịch thu mà đám tang còn linh đình như thế, không khéo sau này sẽ bị tịch thu nữa. Rồi không nghĩ gì

đến cụ bà, thì còn ra thế nào? Tôi là con hầu, hay dở cũng không can gì, rút cục vẫn là quan hệ đến tiếng tăm ở đây!

– Tôi biết rồi. Chị cứ yên lòng. Đã có tôi.

Uyên ương hết sức cảm tạ và căn dặn mãi.

Phượng Thư đi ra, nghĩ bụng: “con Uyên ương kỳ quặc thật? chẳng biết ý nó như thế nào? Cứ lý ra thì việc của bà mình cần phải có thể diện mới được. Chà? Hãy mặc nó, mình cứ theo khuôn khổ nhà mình trước mà làm”. Rồi chị ta sai vợ Lai Vượng chuyển lời ra mời cậu Hai vào. Một lát Giả Liễn đi vào, hỏi

– Tìm tôi làm gì? Mợ ở trong này trông nom đôi chút là được. Đã có ông Hai làm chủ, ông nói thế nào thì mình cứ làm thế.

– Cậu cũng nói như thế, có phải là lời của Uyên ương ứng nghiệm rồi đấy không?

– Uyên ương nói cái gì?

Phượng Thư đem chuyện Uyên ương mời mình qua thuật lại đầu đuôi. Giả Liễn nói

– Lời nói của bọn chúng kể làm gì! Vừa rồi chú gọi tôi đến bảo: “Việc của bà đáng lẽ phải làm cho thật bề thế, nhưng người biết ra thì nói là tiền của bà để lại lo cho mình, người không biết lại nói chúng mình thu giấu đi, nên bây giờ rất là dư dật. Số bạc của bà dùng không hết, ai còn dám lấy, vẫn cứ phải dùng cho bà. Bà ở phương Nam tuy có đất mộ, mà chưa có lăng tẩm. Linh cữu của bà cần đưa về Nam. Dành số bạc đó để xây dựng một ít nhà cửa bên lăng tổ, còn thừa thì mua ít ruộng tế, rồi

chúng ta về ở đấy cũng hay; dầu không về thì để cho những người nghèo đói trong họ đến ở. Cũng tiện cho việc lo hương khói cúng tế.” Mợ nghĩ xem, nói thế không phải là đúng đắn hay sao? Không nhẽ đem xài hết cả đi hay sao?

– Bạc đã phát ra chưa?

– Ai thấy bạc biếc gì đâu. Tôi thấy mẹ nghe lời nói của chú thì hết sức xui giục thím và chú, cho rằng: “ý ấy rất hay”. Thế thì bảo tôi còn biết làm thế nào. Hiện nay việc làm rạp bên ngoài cần phải chi mấy trăm bạc mà cũng chưa có đồng nào. Tôi

đi hỏi thì họ nói có đấy, nhưng bảo bên ngoài hãy biện lấy, rồi sau sẽ tính. Mợ nghĩ xem, bọn tôi tớ, thằng nào có tiền thì chuồn mất rồi. Theo số mà gọi, người thì nói ốm, người thì nói xuống trại, còn lại mấy người không chuồn được thì chỉ có tài bòn tiền, làm gì chịu xuất tiền.

Phượng Thư nghe nói. ngơ ngác một hồi lâu, rồi nói

– Thế thì còn lo liệu quái gì được?

Đang nói thì thấy một a hoàn đến nói:

– Bà Cả bảo hỏi mợ Hai, nay đã đến ngày thứ ba rồi, mà trong này còn rối beng. Cúng cơm rồi còn bắt bà con chờ hay sao? Gọi một hồi lâu, được thức ăn thì thiếu cơm, lo liệu thế nào lại như thế?

Phượng Thư vội vàng đi vào quát bảo người tới hầu, làm qua loa cho xong bữa cơm sớm. Ngày hôm đó. bà con lại tới rất đông, mà bọn người nhà bên trong đều trừng mắt trợn mày, đứng ỳ ra đó. Phượng Thư đành phải ở đấy trông nom. Lại nhớ đến cắt đặt người làm việc, chị ta vội vàng đi ra, bảo vợ Lai Vượng gọi bọn hầu gái đến đầy đủ, chia công việc cho tất cả mọi người. Họ vâng dạ nhưng vẫn đứng im. Phượng Thư nói

– Bây giờ là lúc nào rồi mà các người còn chưa dọn cơm?

Mọi người nói

– Dọn cơm thì dễ, nhưng phải đưa đồ đạc trong ấy ra, chúng tôi mới sắp đặt được chứ.

Phượng Thư nói

– Đồ lẩn thẩn! Khi chia công việc cho các người xong rồi thì thế nào cũng có

Họ đành phải miễn cưỡng vâng lời.

Phượng Thư lập tức lên nhà trên để lấy các vật cần dùng, định đi hỏi Hình phu nhân và Vương phu nhân. Nhưng thấy người đông khó nói, mà xem chừng trời đã xế bóng rồi, chị ta đành phải đi tìm Uyên ương, định lấy một số đồ đạc của Giả mẫu để lại.

Uyên ương nói

– Mợ còn hỏi tôi à? Năm nọ cậu Hai đem cầm đi, đã chuộc về chưa?

– Không cần đồ vàng đồ bạc, chỉ cần một số đồ thường dùng thôi.

– Những cái bên nhà bà Cả và mợ Trân dùng, lấy ở đâu ra đấy?

Phượng Thư nghĩ lại, quả nhiên không sai. Đành phải chạy đi tìm bọn Ngọc Xuyến và Thái Vân ở bên nhà Vương phu nhân, lấy được một số đồ đạc, vội vàng bảo Thái Minh ghi sổ rồi phát cho mọi người giữ lấy.

Uyên ương thấy Phượng Thư luống cuống như thế. gọi trở lại cũng không tiện, nghĩ bụng: “Mợ ta trước kia làm việc lanh lợi và chu đáo biết dường nào, sao nay bị lúng ta lúng túng như thế? Mình xem ba bốn hôm nay, mợ ấy cứ lẩm ca lẩm cẩm.

thật là phụ lòng thương yêu của cụ bà!” Chị ta nghĩ vậy. chứ có biết đâu, Hình phu nhân khi nghe lời nói của Giả Chính, hợp với ý mình, đang lo cho việc nhà sau này khó khăn. chỉ trông mong để lại ít nhiều mà lo liệu việc sau. Vả lại việc của Giả mẫu vốn là do con trưởng làm chủ, Giả Xá tuy không ở nhà, nhưng Giả Chính là người câu nệ, gặp việc gì cũng cứ nói

” Hỏi bà Cả xem sao?” Hình phu nhân vốn biết Phượng Thư ăn tiêu rộng rãi. Giả Liễn thì lại hay dở trò ma, nên cố chết nắm chặt lấy.

Uyên ương chỉ nghĩ trong số bạc ấy đã phát ra rồi. Nên thấy Phượng Thư lúng túng như thế thì cho là không chịu hết lòng, liền ngồi bên linh sàng của Giả mẫu khóc lóc kể lể luôn miệng.

Hình phu nhân nghe trong lời khóc của chị ta có ý oán trách. Bà ta không nghĩ đến việc mình không cho Phượng Thư tùy ý làm việc, lại nói đổ

– Con Phượng quả thật không chịu hết lòng?

Đến đêm, Vương phu nhân gọi Phượng Thư đến và nói

– Nhà mình tuy nói là sa sút, nhưng thể diện bên ngoài cũng phải giữ. Hai ba hôm nay người qua kẻ lại, ta xem bọn người kia trông nom không đến nơi đến chốn. Chắc là chị không đặn dò họ. Chị phải chịu khó lo hộ mới được?

Phượng Thư nghe nói, ngơ ngác một lúc, định nói rõ rằng không đủ tiền bạc chi tiêu, nhưng việc tiền nong là việc ở người khác lo còn Vương phu nhân nói đây là việc trông nom không cllu đáo Vì vậy Phượng Thư chỉ đứng im không dám cãi lại.

Hình phu nhân ngồi một bên, nói

– Đúng lý ra thì bọn con dâu chúng ta đây phải lo liệu, chứ không phải là việc của cháu dâu. nhưng bọn chúng ta không rành nên phải nhờ chị. Chị đừng có làm cái lối buông phóng tay đấy

Phượng Thư mặt đỏ bầm lên, đang định trả lời, thì nghe bên ngoài tiếng nhạc nổi lên, đã đến lúc hoàng hôn phải đốt vàng. Mọi người đều cất tiếng khóc, nên không nói được. Phượng Thư vốn nghĩ chốc nữa sẽ nói, nhưng Vương phu nhân giục chị ta

đi lo liệu và nói

– ở đây đã có chúng ta rồi. Chị mau mau đi lo liệu việc ngày mai đi thôi.

Phượng Thư không dám nói nữa, đành phải buồn rầu nuốt lệ đi ra, rồi cho gọi mọi người đến đầy đủ. Dặn dò một hồi và nói

– Các bà, các thím thương tôi với. Tôi đã bị trên quở trách, là vì các người không trông nom đầy đủ, làm cho người ta chê cười. Ngày mai các người cố chịu khó nhọc thêm một tý.

Bọn người nhà trả lời

– Mợ lo liệu công việc, không phải chỉ mới một lần này. Chúng tôi có dám ngang trái đâu. Nhưng mà công việc lần này, bề trên làm lôi thôi quá? Ngay như việc hầu hạ bữa cơm này, người thì ăn ở đây; người thì đòi ăn ở nhà. Mời được bà này, thì mợ kia lại không đến. Việc linh tinh như thế, làm sao cho chu đáo được? Xin mợ hãy khuyên các cô kia đừng bới móc quá mới được

– Thứ nhất là bọn a hoàn của cụ bà khó nói, mà bọn a hoàn của các bà cũng thế, thì còn bảo tôi nói với ai nữa?

– Trước đây ở phủ Đông chẳng qua mợ chỉ làm thay, mà còn đánh, còn mắng họ, đanh thép như thế. Ai dám không nghe? Bây giờ lại không trị nổi các cô ấy à?

Phượng Thư thở dài

– Việc ở phủ Đông, tuy ta làm thay. Các bà cũng có ở đấy, nhưng không ai nói gì. Giờ đây việc của nhà mình, lại là việc chung, ai nói cũng được. Vả chăng việc tiền nong ở ngoài cũng chẳng thuận tiện gì. Ngay ở trong rạp cần có một vật, chuyển lời ra gọi mãi mà bên ngoài vẫn chẳng thấy đưa vào. Bảo tôi còn có cách nào nữa?

– Cậu Hai ở ngoài. còn sợ không đưa vào đầy đủ hay sao?

– Còn nhắc cái đó nữa à? Cậu ấy ở ngoài ấy cũng lúng túng. Trước hết là tiền không có trong tay, muốn làm việc gì là phải trình báo thì thuận tiện sao được?

– Số tiền của cụ bà không ớ trong tay cậu Hai à?

– Chốc nữa các người hỏi mấy người coi việc thì rõ.

– Chẳng trách chúng tôi nghe bọn đàn ông bên ngoài oán trách, nói: “Việc lớn như thế này mà bọn mình không sờ mó được được chút gì. Chỉ chịu khổ suông, thì người ta dốc lòng sao được?”

– Bây giờ không cần nói nữa. Công việc trước mắt các người để ý cho với. Nếu để bề trên còn quở trách thì tôi không nghe cho đâu.

– Mợ định như thế nào. chúng tôi dám oán trách đâu? Nhưng mà bề trên mỗi người mỗi ý, chúng tôi thật khó mà lo liệu chu đáo được.

Phượng Thư nghe nói cũng chẳng có cách gì. đành phải năn nỉ với họ

– Các bà ạ? Ngày mai hãy giúp tôi một hôm. Tôi làm cho các cô ấy một mẻ thì mới xong.

Mọi người nghe lời đi ra.

Phượng Thư trong bụng uất ức càng nghĩ càng tức. Mãi đến khi trời sáng lại phải dậy trông nom. Chị ta định răn bảo bọn người ở các nhà. lại sợ Hình phu nhân đâm giận ; muốn nói với Vương phu nhân thì khốn nổi lại bị Hình phu nhân ton hót, xui giục. Bọn a hoàn thấy Hình phu nhân không bênh vực Phượng Thư, nên càng giày vò chị ta. May có Bình Nhi bày tỏ hộ cho Phượng thư. Chị ta nói

– Mợ Hai cũng chỉ cốt trông nom lo liệu cho tử tế. nhưng vì ông lớn và các bà dặn bảo bên ngoài không được xa phí. cho nên mợ Hai cũng không thể lo liệu cho đến nơi đến chốn được.

Bình Nhi nói đi nói lại mấy lần. nên họ mới hơi yên.

Mọi việc như mời hòa thượng đọc kinh sám hối, điếu tế cúng cơm liên tiếp không ngớt, nhưng rút cục vì chi tiêu keo sẻn quá nên không ai chịu hăng hái, chẳng qua chỉ làm qua loa cho xong chuyện. Liên tiếp mấy ngày, các vi vương phi và các hà

quan tới rất đông. Phượng Thư cũng không thể lên trên trông nom, chỉ ở dưới nhà sắp đặt. Gọi được người này thì người khác chạy mất. Phượng Thư hết gào thét lại van xin. làm xong việc này lại lo đến việc khác, chưa nói bọn Uyên ương thấy việc đinh đám chẳng ra sao đâm bực mình. mà chính trong lòng Phượng Thư rất là áy náy. Hình phu nhân tuy nói là dâu cả, nhưng cứ lấy cớ bốn chữ “thương xót là hiếu” nên việc gì cũng cứ để mặc. Vương phu nhân đành phải theo Hình phu nhân mà làm. Còn các người khác thì không cần phải nói nữa.

Chỉ có Lý Hoàn thấy rõ nỗi khổ tâm của Phương Thư. nhưng lại không dám nói, chỉ than thở một mình

tục ngữ có câu: “hoa mẫu đơn dầu đẹp, toàn nhờ lá xanh nâng niu. Các bà mà không nhờ thím Phượng thì đời nào họ còn giúp cho nữa? Nếu cô Thám Xuân ở nhà còn khá. nhưng bây giờ chỉ còn có mấy người nhà thím ấy lo suông; trước mặt sau lưng, ai cùng oán trách. Họ nói một đồng tiền không vớ được, thể diện cũng chẳng còn chút nào! Ông lớn thì chỉ một mực lo tròn chữ hiếu. Mọi việc

không thông hiểu lắm. Việc lớn như thế. không bỏ ra ít tiền mà lo liệu thì xong. được hay sao? Thật đáng thương cho thím Phượng ăn lo mấy năm trời, không ngờ nay đến việc cụ bà. có lẽ không gĩư được thể diện nữa đấy”.

Vì thế. nhân lúc rảnh, chị ta gọi người nhà lại và dặn:

– Bọn các người đừng có bắt chước người ta quấy rầy mợ Hai Liễn. Đừng tưởng rằng các người mang áo tang, ngồi khóc lóc bên linh cữu là việc lớn đâu. Nếu thấy họ lo liệu không kịp thì phải dúng tay và làm giúp cũng là nên. việc là việc chung, mọi người đều phải ra sức.

Những người vốn phục Lý Hoàn đều vâng lời và nói:

– Mợ cả nói rất đúng, chúng tôi cũng không dám như thế. Nhưng nghe giọng nói cô Uyên ương xem chừng oán trách mợ Hai LIễn đấy.

Lý hoàn nói:

– Tôi cũng nói với cô Uyên ương rồi, Tôi bảo mợ Hai lIễn hoàn toàn không phải không hết lòng với việc cụ bà, nhung tiền bạc không ở trong tay mợ ấy, bảo nàng dâu có khéo mấy cũng không thể nấu cháo nếu không có gạo. Nay Uyên Uơng đã biết rồi nên cũng không trách mợ ta nữa. Nhưng bộ dạng Uyên ương không giống như trước, thật là kỳ quái. Lúc cụ bà thương yêu, chị ta không hề làm oai phúc gì cả, bây giờ cụ bà chết rồi, chị ta không có người để dựa nữa, thế mà tôi xem tính khí chị ta lại không hiền lành như trước. Trước đây tôi lo thay cho chị ta, bây giờ may mà ông Cả không có nhà, nếu không thì lại xảy ra chuyện.

Đang trò chuyện thì Giả Lan chạy đến nói:

– Mẹ đi ngủ đi thôi. Từ sáng đến giờ người qua khách lại, mẹ mệt lắm rồi, nên nghỉ một chút. Mấy ngày nay con không sờ đến sách, hôm nay ông bảo con về nhà ngủ, con mừng quá, phải ôn lại một vài quyển mới được, kẻo đến khi hết trở lại quên hết.

Lý hoàn nói:

– Con ạ, đọc sách cố nhiên là rất phải, nhưng hôm nay hãy nghỉ đã, chờ đưa đám cố xong sẽ học.

– Mẹ muốn ngủ thì con ngủ, nhưng nằm trong chăn ôn nhớ lại cũng được.

Mọi người nghe nói đều khen:

– Anh giỏi thật. sao mới chừng ấy tuổi mà lúc nào cũng nhớ đến sách? Chẳng bù với cậu hai bảo, có vợ rồi mà vẫn tính khí trẻ con. Mấy hôm nay theo ông lớn quỳ. xem chừng cậu ta khó chịu lắm, chỉ mong ông lớn quay người đi một tý là chạy đi tìm mợ Hai. không biết rầm rầm rì rì nói những chuyện gì. Thậm chí cậu ấy làm cho mợ Hai cũng không nhìn nữa. Cậu ấy lại đi tìm cô Cầm. Cô Cầm cũng tránh đi. CÔ Hình cũng ít nói chuyện với cậu ta lắm. Chi có người họ nhà mình là cô Hỷ và cô Tư nào

đó cứ một anh hai anh, trò chuyện thân mật với cậu ta. Chúng tôi xem chừng cậu hai Bảo trừ việc quấn quít với các mợ, các cô ra, có lẽ trong bụng chẳng nghĩ đến việc gì khác. Thật là phụ lòng cụ bà đã trót thương yêu cậu ta lớn bằng chừng ấy. Thật cậu ấy không bằng anh Lan lấy một ly. Mợ Cả sau này không phải lo gì nữa.

Lý Hoàn nói

– Nó dù khá, nhưng vẫn còn nhỏ. Chỉ lo khi nó lớn lên, nhà mình chẳng biết rồi ra thế nào! Còn thằng Hoàn thì các người xem ra sao?

– Cái anh ấy thì lại càng chẳng ra gì nữa. Hai mắt cứ y như là mắt khỉ sống, hết liếc bên này lại liếc hên kia. Tuy là gào khóc ở đây, nhưng khi thấy các mợ các cô đến, anh ta ở trong màn tang cứ liếc mắt nhìn trộm!

– Thực ra thì tuổi nó cũng lớn rồi. Trước đây nghe nói định dạm vợ cho nó đấy. nhưng bây giờ lại phải chờ rồi. ái chà? Còn có một việc: những người của nhà chúng ta đây, tôi xem thì nói cũng không hết lời được! Hãy khoan nói chuyện dông dài, hôm sau đi đưa đám thì xe cộ các phòng như thế nào?

– Mợ hai Liễn mấy hôm nay công việc bối rối, như người mất hồn, cũng không thấy nhắc nhở gì cả. Hôm qua nghe bọn đàn ông ở ngoài nói: “cậu Hai sai cậu Tường lo liệu, bảo rằng xe nhà mình không đủ, mà người đẩy xe cũng ít, phải đi mượn xe

của nhà bà con đấy.”

– Xe cũng mượn được à?

– Mợ lại nói đùa rồi, sao lại không mượn được? Nhưng hôm đó tất cả bà con đều dùng xe, chỉ sợ khó mượn, có lẽ phải thuê nữa ấy.

– Xe những người bề dưới ngồi thì đành phải thuê, còn xe trắng người bề trên ngồi cũng thuê được hay sao?

– Hiện giờ bà Cả, mợ Cả ở phủ Đông và mợ Dung bé đều không có xe, không thuê thì làm gì có?

Lý Hoàn nghe nói, than thở:

– Trước kia hễ thấy các mợ, các bà con nhà mình ngồi xe thuê thì bọn mình đều chê cười, giờ đây đến lượt mình rồi? Các chị ngày mai nói với các anh: “sửa soạn xe ngựa của chúng tôi cho sớm để khỏi chen chúc.”

Mọi người vâng lời đi ra.

Sử Tương Vân vì chồng ốm, sau khi Giả mẫu chết chỉ đến có một lần. Bấm đốt ngón tay, hôm sau là ngày đưa đám, không thể không đến, lại thấy chồng đã mắc bệnh lao, tạm thời chưa can gì, nên trước hôm đưa đám một ngày thì cô ta sang. Nghĩ đến

ngày thường Giả mẫu thương yêu mình, lại nghĩ đến số mình khổ sở vừa lấy được người chồng tài mạo song toàn, tính tình hòa nhã, không ngờ mắc phải chứng bệnh oan nghiệt, chỉ còn chờ từng ngày mà thôi, nên càng thêm đau xót. Cô ta khóc mãi đến nửa đêm. bọn Uyên ương cố khuyên lơn an ủi mãi.

Bảo Ngọc nhìn thấy cô ta, cũng khôn xiết đau lòng, nhưng tới khuyên thì không tiện, thấy cô ta án mặc đồ trắng, son phấn không xoa, mà so với lúc chưa đi lấy chồng còn đẹp hơn nhiều. Ngoảnh lại, thấy bọn Bảo Cầm cũng đều ăn mặc đồ trắng

mà phong vận tuyệt vời. Riêng nhìn đến Bảo Thoa thì thấy chị ta mặc toàn đồ tang, cái dáng điệu phong nhã so với khi ăn mặc hoa hòe lại càng khác hẳn. Bảo Ngọc nghĩ bụng

” Người xưa nói

muôn hồng ngàn tía. rút cục phải nhường hoa mai làm đầu. Xem ra thì chẳng những hoa mai nở sớm, mà bốn chữ “Sạch, trắng, trong, thơm” thật không có gì bì kịp. Nhưng nếu lúc này mà có em Lâm, cũng ăn mặc như thế, thì không biết còn xinh đẹp đến thế nào nữa!

Bảo Ngọc nghĩ đến đó, cảm thấy trong lòng chua xót, nước mắt trào ra. Nhân tiện có việc tang Giả mẫu. nên cất tiếng khóc to lên cũng không ngại gì.

Mọi người đang khuyên Tương Vân, thì thấy phía ngoài lại thêm một người khóc nữa. Ai cũng tưởng là anh ta nghĩ đến Giả mẫu thương yêu, cho nên khóc lóc. Không biết rằng hai người đều có nổi đau xót riêng của mình. Lần khóc này làm cho cả nhà

ai cũng đều rơi lệ. Tiết phu Nhân và thím Lý khuyên mãi mới thôi.

Ngày sau là ngày chực đêm càng thêm nhộn nhịp. Hôm đó Phượng Thư không gắng gượng nổi, cũng chẳng có cách gì đành phải cố hết sức, đến nỗi gào mãi khản cả cổ, bôi bác qua loa nửa ngày: Đến buổi chiều. bà con bạn hữu đến càng đông,

công việc càng tới tấp, nhìn trước mất sau. Phượng Thư đang hoảng lên, thì thấy một a hoàn nhỏ chạy tới, nói

– Mợ Hai ở đây à? Chẳng trách bà Cả nói

trong nhà nhiều người mà trông nom không xiết, mợ Hai thì tránh đi cho khỏe rồi.

Phượng Thư nghe câu nói ấy, cố gắng nén nỗi bực tức, nước mắt trào ra, cảm thấy trước mặt tối sầm, trong cổ ngòn ngọt, liền hộc máu tươi ra, người đứng không vững, ngã xuống đất. May có Bình Nhi vội vàng chạy lại đỡ lấy, thấy Phượng Thư cứ hộc mãi ra từng cục máu.

_________________


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.