Những Quận Chúa Nổi Loạn

Chương 25



De Cambes phu nhân thỉnh thoảng nhớ tới thái độ của La Rochefoucauld và không khỏi thấp thỏm. Nàng nghĩ đến ông ta có thể căm hận mình. Nhưng rồi, tự thấy mình trẻ, đẹp, giàu có, lại có nhiều ân sủng, nàng cho rằng sự căm hận ấy có còn tồn tại đi chăng nữa, cũng chẳng thể ảnh hưởng gì đến đời nàng.

Tuy nhiên, có phòng ngừa cũng vẫn hơn. Cho nên nàng áp dụng phương thức đi bước trước. Nhân lúc quận chúa phu nhân ngợi khen về những công việc nàng đã hoàn tất, nàng bèn nói:

– Thưa phu nhân, do sự mến thương em nên người quá khen, thật ra em chưa xứng đáng, vì một vài kẻ đã cho rằng viên sĩ quan, người bị chúng ta đánh lừa, đã biết rõ ai là quận chúa phu nhân thật, ai là giả.

Tất nhiên quận chúa phu nhân không bao giờ chấp nhận cái giả thuyết ấy, trong khi bà ta đinh ninh rằng việc tráo người của mình rõ ràng là một thắng lợi hoàn toàn.

– Phải, Claire thân mến, ta biết, đó chỉ là những tin đồn. Có thể sau khi biết mình bị lừa, chính nhà quý tộc của chúng ta đã tung ra những tin ấy để cho khỏi bẽ mặt đấy thôi. À mà này, hình như em có nói với ta là đã gặp ông De La Rochefoucauld trên đường đi phải không?

– Vâng, thưa phu nhân.

– Ông ấy kể chuyện gì mới không?

– Ông ta đi Turenne để thương lượng với ông Bouillon hay người ấy ai sẽ nắm quyền tư lệnh của quân đội chúng ta? Nhưng ta đã có cách để hòa giải họ: Một phương án của bà De Tourville.

Claire mỉm cười khi nghe thấy cái tên ấy:

– Ồ, phu nhân đã nối lại tình thân với bà cố vấn của mình.

– Cần phải thế, bà ấy gặp chúng ta – Lenet và ta – ở Montrond, mang theo một chồng giấy dầy cộm làm chúng ta cười muốn chết. Bà ấy bảo đó là thành quả của nhiều đêm làm việc chăm chỉ, và mang tới để cống hiến vào công việc chung.

– Chắc là một bài diễn văn tràng giang… Thế phu nhân trả lời sao?

– Ta nhường lời cho ông Lenet. Ông ta nói “Thưa bà, chúng tôi không bao giờ nghi ngờ thiện chí cũng như nhiệt tâm của bà, việc làm của bà hết sức quý giá, nhưng quận chúa phu nhân và tôi mỗi ngày…” Tóm lại, ông ấy nói cũng dài không kém gì một bài diễn văn, khiến bà bùi tai để rồi cuối cùng giao cho ông ấy cái phương án.

– Nội dung?

– Không phong chức tư lệnh cho ông Bouillon và ông De La Rochefoucauld, mà phong cho ông Turenne.

– Thế nào? – Claire nói – Có vẻ như lần này bà cố vấn đã cố vấn hơi nhiều, ông nghĩ sao, thưa ông Lenet?

– Tôi nghĩ bà tử tước đã có lý và bà đã cho chúng tôi thêm một phiếu trong cuộc bàn cãi. (Lenet vừa đi vào, tay cầm một xấp giấy cũng nặng chẳng kém gì của bà De Tourville) Có điều ông Turenne không thể xa rời đạo quân miền Bắc và phương án của chúng ta lại đòi hỏi ông tiến về Paris khi nào Mazarin và hoàng hậu uy hiếp Bordeaux.

– Cô bạn thân mến thấy không, ông Lenet là một con người hoàn chỉnh. Cho nên chẳng phải ông Bouillon, cũng chẳng phải ông De La Rochefoucauld và ông Turenne là tổng tư lệnh. Vì tổng tư lệnh của chúng ta chính là Lenet.

– Nhưng ông cầm cái gì ở trong tay đó, phải chăng là một bản tuyên cáo?

– Vâng, thưa phu nhân.

– Của bà De Tourville phải không?

– Đúng vậy, thưa phu nhân, trừ một vài điểm về từ vựng, về văn phong, chắc phu nhân cũng rõ…

– Tốt, cũng tốt thôi. – Quận chúa phu nhân cười – Không nên câu nệ từng chữ, cốt nhất là ở tinh thần.

– Thưa phu nhân đã xong xuôi tất cả.

– Thế ông Bouillon ký ở đâu?

– Trên cùng một hàng với ông De La Rochefoucauld.

– Nhưng ông De La Rochefoucauld sẽ ký ở bên dưới chữ ký của quận công D Enghien.

– Quận công D Enghien không nên ký vào một văn bản như vậy. Một đứa bé? Hãy nghĩ đến chuyện đó, Lenet.

– Tôi đã nghĩ rồi, thưa phu nhân. Khi nhà vua băng hà, thái tử lên kế vị, và nếu một ngày nào đó… Tại sao lại sẽ không phải là gia đình De Condé lên trị vì?

– Nhưng ông De La Rochefoucauld sẽ nói sao? Ông Bouillon sẽ nói sao?

– Thưa phu nhân, người thứ hai sẽ theo gương người thứ nhất để làm cái gì người thứ nhất đã làm. Vả chăng họ muốn nói gì thì nói, với chúng ta điều đó không cần thiết.

– Cũng không nên làm họ mếch lòng quá, Lenet. – Quận chúa phu nhân nói – Chúng ta chỉ còn có họ.

– Nhưng họ đã đưa vào cái tên của phu nhân, họ hãy cứ thử đơn phương chiến đấu đi, và phu nhân sẽ thấy họ cầm cự được bao lâu?

Bà De Tourville mới về chưa đầy một phút. Bộ mặt đang rạng rỡ tươi như hoa của bà phút chốc đổi ra âu lo khi thoảng nghe thấy những lời nói sau cùng của viên cố vấn, kẻ đối đầu của bà.

Bà ta tiến lên một bước:

– Phương án tôi trình lên ngài có vẻ như không được sự hoan nghênh của ông Lenet?

– Trái lại, thưa bà! – Lenet nghiêng mình nói – Và tôi đã được thận trọng giữ lại phần lớn những nét quan trọng của văn bản, duy chỉ có, tay vì bản tuyên cáo được ký bởi quận công Bouillon hay công tước Rochefoucauld, tên của các vị ấy đứng sau tên hoàng thân.

– Ông đưa cả ông hoàng trẻ tuổi vô, thưa ông?

– Thưa phu nhân, có vậy mới hợp lý, bởi chính vì hoàng thân mà người ta chiến đấu.

– Nhưng dân chúng Bordeaux yêu cầu quận công Bouillon, tôn thờ quận công De La Rochefoucauld và không biết gì về quận công D Enghien.

Lenet rút trong túi ra một tờ giấy và đáp:

– Phu nhân sai rồi. Đây là bức thư của ông chủ tịch hội đồng Bordeaux, ông ta yêu cầu tôi: Tất cả những tuyên cáo đều phải có chữ ký của hoàng thân D Enghien.

– Ồ! Bỏ cái vụ hội đồng đi, Lenet. – Công chúa phu nhân la lên – Chúng ta đã khó nhọc bao nhiêu mới thoát khỏi tay hoàng hậu và Mazarin, chẳng lẽ bây giờ lại rơi vào các tay hội đồng?

– Phu nhân có muốn vào Bordeaux không? – Lenet hỏi.

– Đương nhiên.

– Thế thì đó là điều kiện “sine qua non” (Tiếng La tinh: Không thể thiếu, điều kiện bắt buộc), họ sẽ không nghênh tiếp một ai khác ngoài quận công D Enghien.

Bà De Tourville cắn môi.

– Ông đã khuyên chúng tôi chạy trốn khỏi Chantilly, ông đã khiến cho chúng tôi phải vượt hơn một trăm năm mươi dặm để tới đây nhận lãnh một sự mạo phạm của dân Bordeaux? – Bà quận chúa nói.

– Điều phu nhân cho là mạo phạm, thưa phu nhân, lại là một vinh dự. Thật thế, còn gì vẻ vang hơn đối với quận chúa phu nhân De Condé khi họ chỉ nhận nghênh đón phu nhân thôi mà không phải là những người khác!…

– Như vậy ngay cả hai ngài công tước dân Bordeaux cũng không tiếp?

– Họ chỉ tiếp có phu nhân.

– Một mình tôi làm sao qua đây?

– Ồ! Lạy Chúa, xin phu nhân cứ vô, rồi vô xong, hãy mở rộng cửa và những người khác sẽ đi theo phu nhân.

– Chúng ta đâu có thể qua mặt họ được?

– Xin thưa: Sẽ có sự can thiệp của hội đồng thành phố. Quân đội của phu nhân rồi cũng sẽ vào để bảo vệ Bordeaux.

– Vậy là Bordeaux đã bị đe dọa? – Bà De Tourville hỏi.

– Rất bị đe dọa! – Lenet đáp – Đó là lý do tại sao cần phải tiến hành gấp rút để nắm lấy tình hình. Khi chúng ta chưa có ở đó, Bordeaux có thể, vì danh dự, không mở cửa cho chúng ta, nhưng một khi chúng ta vào bên trong rồi, Bordeaux sẽ vô phương xua chúng ta ra khỏi thành lũy của họ.

– Xin ông cho biết ai đe dọa Bordeaux?

– Nhà vua, hoàng hậu, Mazarin… Quân đội hoàng gia được tuyển mộ, các kẻ thù của chúng ta đang làm chủ tình hình, đảo Saint-Georges cách thành phố có ba trăm dặm vừa mới nhận một tổng đốc mới. Dân Bordeaux sẽ cố chiếm lại đảo, và dĩ nhiên họ sẽ chiến đấu. Nhưng họ làm sao đối địch lại với những toán quân thiện chiến của nhà vua. Họ sẽ bị đánh tơi bời, họ sẽ lên tiếng kêu cứu công tước Bouillon, và De La Rochefoucauld. Thế là phu nhân đã nắm trong tay hai vị công tước ấy rồi nên có thể ra điều kiện với hội đồng thành phố…

– Nhưng sao không tìm cách mua chuộc ông tân tổng đốc còn hơn là để dân Bordeaux chịu sự thảm hại, nó có thể ảnh hưởng đến tinh thần của họ sau này.

– Nếu phu nhân đã vào Bordeaux lúc cuộc thất bại ấy diễn ra, phu nhân sẽ chẳng sợ gì hết… Còn việc mua chuộc viên tổng đốc ấy quả không thể được.

– Không thể được! Tại sao?

– Bởi vì viên tổng đốc ấy là kẻ thù của phu nhân.

– Một kẻ thù của cá nhân tôi?

– Vâng…

– Nhưng từ đâu lại có mối oán thù ấy?

– Ông ta sẽ không bao giờ buông tha phu nhân về cái chuyện bí mật ở Chantilly mà ông ta là nạn nhân… Ồ! Mazarin không phải là một lão khùng như các vị phu nhân tưởng đâu, tôi dám chịu mất đầu để không ngừng nói lên một điều trái ngược. Và chứng cớ là ông ta đã đặt ở đảo Saint-Georges, một cứ điểm quan trọng, một người phu nhân đoán thử coi?

– Tôi đã nói với ông rằng tôi hoàn toàn không thể biết người ấy là ai.

– Đó là viên sĩ quan đã làm cho phu nhân cười rất nhiều về sự vụng về của ông ta để phu nhân trốn khỏi Chantilly…

– Ông De Canolles! – Claire kêu lên.

– Vâng.

– Ông De Canolles, tổng trấn Georges!

– Chính ông ấy.

– Sao lại có thể thế! Tôi đã thấy ông ấy bị bắt giữ trước mắt tôi, dưới mắt tôi.

– Đúng thế. Nhưng ông ta có quan thầy bao che mạnh lắm, và sự thất sủng biến thành ân sủng.

Quận chúa phu nhân cười và nói:

– Khốn khổ cô em Claire! Thế mà cô lại ngỡ ông ta chết rồi.

– Ông có chắc không, thưa ông! – Claire hỏi.

Lenet, theo thói quen lại rút ở trong túi ra một tờ giấy:

– Đây là thư của Richon. Ông ta nói cho tôi biết tất cả các chi tiết về việc nhận chức của viên tân tổng đốc, ông ta cũng tỏ ra tiếc nuối vì không được công chúa phu nhân cử tới đảo Saint-Georges.

Bà Tourville nghe xong bèn cười ngất:

– Phu nhân cử ông Richon tới đảo Saint-Georges! Hóa ra chúng ta thay quyền đức vua để bổ nhiệm tổng trấn à?

– Chúng ta có sẵn một chỗ, thưa bà – Lenet đáp – và thế là đủ.

– Chỗ nào?

Bà Tourville rùng mình khi thấy Lenet thò tay vào túi áo.

– Tờ khống chỉ của công tước D Epernon! – Quận chúa phu nhân reo lên – Đúng thế, tôi đã quên mất nó.

– Hùm! Cái đó là cái gì? – Bà Tourville bĩu môi – Một mảnh giấy vô giá và không có gì khác.

– Thưa bà – Lenet nói – tờ giấy ấy, chúng ta rất cần nó để có được một sự bổ nhiệm người của ta. Nó sẽ làm thăng bằng cán cân lực lượng họ có đảo Saint – Georges nằm trên sông Garonness. Nó chính là điểm tựa của chúng ta.

Từ năm phút qua, sau khi thấy Lenet đề cập tới Canolles, Claire như người mất hồn, chẳng còn nghe thấy gì nữa. Lúc này, bình tĩnh trở lại, nàng mới hỏi Lenet:

– Ông có chắc chính ông Canolles, người bị bắt ở Jaulnay, hiện giờ làm tổng đốc đảo Saint – Georges không?

– Chắc lắm, thưa bà.

Quận chúa phu nhân nói:

– Chắc hẳn nội vụ phải có một cái gì đó.

– Dĩ nhiên. – Lenet nói – Có tiểu thư Nanon De Lartigues.

– Nanon De Lartigues! – Nữ tử tước De Cambes kêu lên như một kỷ niệm ghê sợ vừa nhói vào tim.

– Hừm! Đứa con gái ấy! – Quận chúa phu nhân nói một cách khinh rẻ.

– Vâng, thưa phu nhân. – Lenet nói – Cô gái ấy đã bị ngài từ chối không tiếp, và hoàng hậu không câu nệ nghi thức nên tiếp cô ấy, cho nên sau đó cô ta mới bảo rằng quận chúa phu nhân rất có thể làm như to hơn Anne D Autriche, nhưng có điều chắc chắn Anne D Autriche khôn ngoan hơn phu nhân. Bởi vì, xin phu nhân hiểu cho: Đó là một người đàn bà sẽ gây chiến với phu nhân ác liệt nhất. Hoàng hậu chỉ phái quân lính tới đánh phu nhân còn Nanon lại đưa những kẻ thù đến, điều đó mới đáng sợ.

Bà De Tourville nhìn Lenet nói mỉa:

– Đặt địa vị ông vào phu nhân, hẳn ông đã nghênh tiếp cô ả một cách kính cẩn.

– Không, thưa bà, tôi sẽ vui vẻ đón tiếp và tôi sẽ mua chuộc cô ấy.

– Sao! Nếu chỉ là vấn đề mua chuộc, bây giờ thực hiện đâu có muộn.

– Đương nhiên, hãy còn đủ thì giờ, duy chỉ có điều, vào thời điểm này, hình như sẽ quá đắt đối với ngân quỹ của chúng ta.

– Cái giá của cô ta lên tới bao nhiêu? – Quận chúa phu nhân hỏi.

– Năm trăm ngàn Livres trước chiến tranh.

– Nhưng bây giờ?

– Một triệu.

– Nhưng với cái giá đó tôi có thể mua ông Mazarin!

– Rất có thể – Lenet nói – nhưng thứ mua được thì ban lại thường bị giảm giá.

Bà De Tourville vốn hay chủ trương những phương thức bạo động bèn hỏi:

– Nhưng nếu ta không thể mua được thì tại sao ta không giành lấy?

– Ý kiến của bà rất hay nhưng khó thực hiện. Lý do người ta hoàn toàn không biết cô ấy ở đâu, tuy nhiên, chúng ta chả cần bận tâm về chuyện đó, trước hết chúng ta sẽ vô Bordeaux, và sau đó sẽ tiến chiếm đảo Saint-Georges.

– Không, không! – Claire kêu lên – Chúng ta hãy vô đảo Saint-Georges trước đã.

Tiếng reo ấy, thốt ra từ trái tim nữ tử tước, khiến hai vị phu nhân quay đầu về phía nàng, còn Lenet thì nhìn nàng một cách chăm chú.

– Bộ em khùng rồi ư? – Quận chúa phu nhân hỏi – Em không thấy ông Lenet bảo rằng đó là một địa điểm rất khó chiếm?

– Rất có thể – Claire nói – nhưng tôi thiết nghĩ chúng ta sẽ chiếm được.

– Em có một kế hoạch? – Bà De Tourville hỏi.

– Có lẽ! – Claire nói.

Quận chúa phu nhân cười.

– Nếu đảo Saint-Georges phải mua một cái giá đắt như ông Lenet nói, có lẽ chúng ta không đủ sức mua đâu.

– Chúng ta sẽ không mua nó, nhưng chúng ta vẫn sẽ có nó.

– Vậy là phải dùng sức mạnh. – Bà De Tourville nói – Cô bạn thân thương, cái đó cũng nằm trong kế hoạch của tôi.

– Chính thế! – Quận chúa phu nhân nói – Chúng ta sẽ cử Richon bao vây Saint-Georges, ông ấy là người trong vùng, biết rõ địa hình địa vật, để chiếm lãnh các pháo đài các vị cho là quan trọng ấy, chỉ có ông ấy mới đảm trách nổi.

– Trước khi áp dụng phương thức đó – Claire nói – thưa phu nhân, xin cho phép em dấn thân vào một cuộc phiêu lưu và nếu tôi thất bại, lúc ấy các vị sẽ tùy nghi.

– Thế nào? – Quận chúa phu nhân hỏi – Em sẽ đi tới đảo Saint-Georges ư?

– Vâng, em sẽ đi.

– Một mình?

– Em đem theo Pompéc.

– Và em không sợ gì cả?

– Em sẽ đi với tư cách của một sứ giả đi thương thuyết, và phu nhân sẽ cho em những chỉ thị cần thiết.

– À! Một ý kiến mới mẻ! – Bà De Tourville nói lớn – Nhưng theo tôi, hình như các nhà ngoại giao không tiến hành công việc một cách hấp tấp như vậy, cần phải có một sự nghiên cứu kỹ lưỡng như phương thức làm việc của ông De Tourville nhà tôi, một nhà ngoại giao có tiếng của thời đại.

– Thưa bà – Claire đáp – dẫu em có tài hèn trí mọn, nhưng em vẫn làm thế, nếu quận chúa phu nhân cho phép.

Lenet nhìn De Condé phu nhân rồi nói:

– Chắc chắn phu nhân sẽ đồng ý và tôi cũng tin rằng nếu tên đời có một người để có thể thành công trong một cuộc thương thuyết như thế, người đó chính là bà tử tước…

– Bộ không ai làm nổi sao?

– Bà tử tước sẽ thương lượng một cách đơn giản với ông De Canolles, nếu để một người đàn ông đi thay, chắc chắn ông ấy sẽ bị Canolles ném ra ngoài cửa sổ.

– Một người đàn ông thì được – Bà De Tourville nói – nhưng một người đàn bà…

– Tôi thấy để bà tử tước đi là hợp lý nhất – Lenet nói – vì bà ấy là người đầu tiên đưa ra ý kiến đó.

Trong lúc ấy có một liên lạc viên tới. Anh ta cầm bức thư của hội đồng Bordeaux.

Quận chúa phu nhân hớn hở reo lên:

– Ô! Chắc họ phúc đáp! Xích lại gần nhau để cùng xem tờ công văn.

Còn Lenet, ngồi im lặng, mặt phớt tỉnh như thường lệ, vì ông ta đã thừa biết nội dung của bức thư.

Đọc xong, quận chúa phu nhân reo lên:

– Họ yêu cầu tôi, họ kêu gọi tôi, họ chờ đợi tôi!

Bà De Tourville cũng reo mừng rối rít.

– Thưa phu nhân – Lenet nói – nhưng còn các vị công tước, còn quân đội?

– Họ không nói tới vụ đó.

– Vậy chúng ta mất hết rồi sao? – Bà De Tourville hỏi.

– Không – Quận chúa nói – bởi vì, nhờ tờ khống chỉ của quận công D Epernon ta sẽ có Vayres để chỉ huy Dordogne.

– Và tôi – Claire nói – Tôi sẽ có Saint-Georges, nó là cái chìa khóa của Garonne.

– Còn tôi – Lenet nói – tôi sẽ có hai ngài công tước và quân đội, dĩ nhiên, nếu các phu nhân để cho tôi có thời gian thuyết phục họ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.